Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2013, diện tích nuôi tôm đạt 654.000 ha; trong đó, tôm thẻ chân trắng (TTCT) 64.000 ha, tôm sú 590.000 ha. Sản lượng 540.934 tấn; trong đó, TTCT 272.837 tấn, tôm sú 268.097 tấn.
Tính đến giữa tháng 11, giá trị xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so cùng kỳ năm 2012 và chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, ước cả năm 2013, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD.
Như thế, so với tôm sú, TTCT nuôi diện tích chỉ bằng 10,8% nhưng sản lượng đã vượt 1,7%. Tại tỉnh Bạc Liêu, diện tích nuôi TTCT đạt 479,8% so cùng kỳ 2012. Hiện, còn 12/30 tỉnh nuôi tôm trái vụ với diện tích ngoài khung mùa vụ là 11.959 ha, tập trung ở ĐBSCL và chủ yếu TTCT. Tôm nuôi trái vụ, sản lượng không cao nhưng giá bán cao, nhất là TTCT nuôi vụ 3 trong năm, giúp người nuôi tôm bớt khó khăn sau nhiều mùa thất bát.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Hòe cũng cho biết, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc năm 2013 tăng 49% nhưng có đến 94% xuất thô. Trong khi, nhiều doanh nghiệp chế biến nước ta phải nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ 270.000 tấn, Ecuador 230.000 tấn. Nếu con số thống kê này chính xác thì có thể thấy, lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu tương đương nuôi trong nước.
Việc nuôi TTCT đang có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát, ẩn chứa nguy cơ bất ổn. Tỉnh Trà Vinh, năm 2013 sản lượng TTCT tăng hơn 10 lần năm 2012, đang phá vỡ quy hoạch, nhất là khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, Phạm Minh Truyền, nhận định: phát triển TTCT ồ ạt còn có thể gây những tác hại về đa dạng sinh học cũng như nguồn nguyên liệu tôm sú bản địa.
Nước ta lại chưa chủ động được giống TTCT mà chủ yếu còn nhập khẩu. Thế nhưng, theo Tổng cục Thủy sản: Kiểm tra phát hiện Công ty Winaiphonoi ở địa chỉ 58/38 Moo Rawaisub, Muang, Phuket (Thailand) sản xuất TTCT bố mẹ không đảm bảo chất lượng, cung cấp cho 4 doanh nghiệp tại Việt Nam và đã phải ngừng cho nhập khẩu TTCT bố mẹ từ Công ty Winaiphonoi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, cho rằng: “Việc phát triển TTCT còn nhiều nguy cơ khi Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống. Ở các nước khác chỉ cho phép nuôi TTCT quy mô công nghiệp khép kín, riêng biệt”.
Hiện Bộ NN&PTNT kêu gọi “rà soát và hoàn thiện quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ đến năm 2020” với chủ trương “ưu tiên phát triển TTCT nuôi thâm canh, bán thâm canh ở những diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả, đã bỏ hoang, những nơi có điều kiện hạ tầng đảm bảo, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật”.
Bộ NN&PTNT cũng đặt ra chỉ tiêu năm 2014, diện tích nuôi TTCT tăng khoảng 20% so năm 2013. Nhưng riêng tỉnh Trà Vinh đã có kế hoạch thả nuôi gấp hai lần.