Mặc dù ngành tôm 2013 được coi là thành công, giá lên kỷ lục, sản lượng tăng mạnh, xuất khẩu cũng theo đà thuận lợi. Tuy nhiên, để thắng lợi này kéo dài, ngành tôm còn nhiều việc phải làm.
Nuôi trồng khởi sắc
Vụ tôm nước lợ năm 2013 đánh dấu sự phục hồi sản xuất trên cả nước đều được mùa, được giá. Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 11, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt 652.612 ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm 2012; trong đó, tôm sú 588.894 ha, TTCT 63.719 ha. Sản lượng thu hoạch 475.854 tấn (tôm sú 232.853 tấn, TTCT 243.001 tấn). Giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so cùng kỳ.
TTCT vượt tôm sú về cả sản lượng lẫn giá trị – Ảnh: Phan Thanh
Thắng lợi là vậy, nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, kết quả đạt được trong nuôi tôm nước lợ năm 2013 là tiền đề quan trọng để toàn ngành chủ động chuẩn bị tốt hơn cho vụ nuôi tôm năm 2014. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan, bởi còn nhiều thách thức lớn; trong đó lợi thế về giá có được trong năm 2013 sẽ không còn, do các nước xuất khẩu tôm gặp bất lợi trong năm nay sẽ khắc phục và tăng sản lượng nuôi trong năm 2014.
Dịch bệnh trên tôm nuôi tại hầu hết các tỉnh đã giảm nhưng vẫn trầm trọng. Theo Cục Thú y, tính đến cuối tháng 11/2013, cả nước đã có 68.099 ha tôm nuôi bị bệnh (bằng 84,7% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 10,4% diện tích nuôi tôm), trong đó diện tích tôm sú 57.013 ha, TTCT 11.086 ha. Diện tích tôm bị bệnh chỉ bằng 1/5 so với năm 2012, tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh đốm trắng đầu vàng, hoại tử gan tụy lại tăng, cả về diện tích và số địa phương. Riêng tôm sú tỷ lệ mắc bệnh chiếm 37% diện tích nuôi; TTCT là 58%.
Thực tế dịch bệnh tôm nuôi vẫn luôn rình rập, nhưng nhiều địa phương vẫn bị động trong việc đối phó và gần như xảy ra dịch mới xuất kinh phí dập dịch, vì không có kinh phí dự phòng… Thêm nữa, ý thức phòng chống dịch của người nuôi và năng lực của hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế…
Hướng đi cho năm 2014
Để vụ tôm năm 2014 tiếp tục giành thắng lợi, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải nhận định đúng tình hình thị trường của năm 2014. Bên cạnh đó, TTCT được mùa được giá, là lý do dẫn đến sự phát triển mạnh nuôi TTCT, tình trạng nuôi ồ ạt, phá vỡ quy hoạch là điều khó tránh khỏi. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý các cấp cần tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo cho người nuôi, rà soát quy hoạch nuôi, lịch thời vụ, quản lý tốt chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng sản phẩm để phát triển nuôi bền vững và hiệu quả…
Số liệu Vasep, biểu đồ TSVN
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đưa ra 2 nhóm giải pháp phải triển khai ngay trong năm 2014. Nhóm giải pháp chỉ đạo sản xuất, phải tăng cường thông tin dự báo thị trường và cảnh báo dịch bệnh kịp thời đến người nuôi để chủ động phòng chống dịch; Xây dựng và quản lý tốt quy hoạch nuôi tôm nước lợ trên phạm vi toàn quốc; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào; đặc biệt là con giống từ tôm bố mẹ đến tôm nuôi trước khi đến tay người dân; Quản lý tốt lịch thời vụ, khung thời vụ cho từng vùng miền và đẩy mạnh phòng trừ dịch bệnh theo hướng an toàn sinh học… Về nhóm giải pháp chuyên môn, kỹ thuật, đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu về bệnh hoại tử gan tụy để giúp các địa phương hiểu cặn kẽ dịch bệnh này và đề ra các giải pháp phòng chống hiệu quả nhất…
>> Ước thực hiện ngành tôm năm 2013: về diện tích nuôi đạt 654.000 ha, trong đó diện tích nuôi TTCT 64.000 ha, tôm sú 590.000 ha. Sản lượng đạt 540.934 tấn, trong đó TTCT 272.837 tấn và tôm sú 268.097 tấn. |