2013 – Một năm gian khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, giá cá tra liên tục thấp, người nuôi bị thua lỗ dài dài, phải chuyển sang nuôi đối tượng khác hoặc bỏ nghề; doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu thì thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, phải hoạt động cầm chừng hay đóng cửa; thị trường tiêu thụ và giá cá xuất khẩu giảm…

Người nuôi mất niềm tin

Kéo dài từ năm 2012 sang năm 2013, người nuôi cá tra liên tục bị thua lỗ, diện tích thả nuôi cá tra trong dân dần bị thu hẹp hay phải bán cho doanh nghiệp do giá thành nuôi cá tăng cao trong khi giá cá ở mức thấp trong thời gian dài.

Theo Tổng cục Thủy sản, 9 tháng đầu năm 2013, giá cá tra chỉ từ 19.000 đến 22.500 đồng/kg, người nuôi cá tra lỗ từ 500 đến 4.000 đồng/kg tùy thời điểm. Đầu tháng 10, giá cá tra lên 23.000 – 23.500 đồng/kg trong khoảng 2 tuần rồi giảm còn 22.000 – 22.800 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 23.000 đồng/kg. Do đó, người nuôi cá vẫn chưa có lãi, sản xuất không phát triển, nhiều ao tiếp tục bị “treo”, người nuôi cá không có khả năng tái sản xuất.

Năm 2013, ngành cá tra trượt sâu vào khủng hoảng – Ảnh: Lê Công Hân

Thời điểm này giá cá tra 22.500 – 23.000 đồng/kg nhưng nông dân không có cá để bán. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, người nuôi cá tra trong nước đang mất dần niềm tin với doanh nghiệp; việc theo đuổi nghề nuôi cá tra cũng vô cùng khó khăn do thua lỗ liên tiếp, vốn cạn. Còn theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, giá cá tra như thời gian qua thì dù có bơm vốn nông dân cũng không dám nuôi.

Dự báo, tại ĐBSCL, sản lượng cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu từ nay đến hết quý I/2014 tiếp tục giảm 40 – 50%; dù giá cá tra có khả quan hơn trong thời gian gần đây nhưng nghề nuôi cá tra vẫn khó phục hồi. Theo ông Phạm Anh Tuấn, người nuôi cá sẽ tiếp tục gặp khó về nguồn vốn để khôi phục nghề nuôi, bởi họ còn vướng nợ xấu cũ nên không vay được vốn mới. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân nuôi cá tra, vốn hiện nay không còn là vấn đề then chốt, vì cứ nuôi là lỗ nên không mấy ai dám đầu tư.

Thời gian qua, hầu hết các địa phương đều đã triển khai công tác quy hoạch vùng nuôi nhưng việc quy hoạch chỉ dựa vào tiềm năng tự nhiên theo kiểu năm sau cao hơn năm trước, hay chạy “theo đuôi” để hợp thức hóa những vùng nuôi cá tra có sẵn. Hơn nữa, quy hoạch được xây dựng mà chưa có biện pháp kiểm soát dẫn đến các vùng nuôi cá tra phát triển tràn lan, sản lượng tăng giảm đột biến. Trong Nghị định về cá tra sắp tới sẽ đặt ra vấn đề quy hoạch gắn với thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng hệ thống thông tin về thực trạng sản xuất, thị trường tiêu thụ có tính tin cậy cao để phục vụ chỉ đạo điều hành lại đang rất yếu.

 

Chế biến xuất khẩu nhiều bất cập

Ở thị trường xuất khẩu, sức mua kém, giá cá giảm, doanh nghiệp liên tục phải đối diện vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ với mức thuế cao. Trong nước, do thiếu vốn sản xuất và không đủ cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa một số nhà máy và ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới.

Theo Tổng cục Thủy sản, trong số hơn 70 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra, một số doanh nghiệp đang thiếu vốn phải hoạt động cầm chừng, có doanh nghiệp giảm 2/3 công suất và 30 – 50% lao động.

Tại Cần Thơ, UBND tỉnh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn do phải sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư cho mục tiêu trung và dài hạn. Tới hạn trả nợ, doanh nghiệp xoay xở không kịp nên phải bán tháo sản phẩm để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng hay quay vòng đầu tư cho mục tiêu khác.

Thiếu cá tra nguyên liệu cho chế biến cũng là vấn đề khó của doanh nghiệp năm 2013. Nếu như trước đây doanh nghiệp sản xuất 100 tấn cá tra/ngày thì nay chỉ 20 – 30 tấn/ngày, chủ yếu từ nguồn cá thả nuôi năm 2012, do lứa cá thả nuôi từ quý II/2013 phải sang năm 2014 mới thu hoạch được. Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra 11 tháng đầu năm khoảng 5.800 ha, bằng 90,2% so cùng kỳ năm ngoái. Do nông dân thả nuôi cá cầm chừng nên diện tích cá tra thu hoạch chỉ bằng 87% so cùng kỳ năm ngoái tương ứng 852.000 tấn.

Do thiếu vốn và nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng – Ảnh: Ngọc Trinh

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thủy sản Thới An (Ô Môn, TP Cần Thơ) cho rằng, sản lượng cá tra năm 2013 giảm ít nhất 40%, nhất là cá tới lứa thu hoạch còn rất ít, do thua lỗ liên tục 2 năm qua. Còn theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), tình trạng thiếu thừa nguyên liệu trong ngành cá tra đã dẫn đến thất bại của toàn ngành, do mạnh ai nấy làm. Diện tích nuôi cá tra liên tục tăng, nhà máy chế biến cá tra đua nhau mọc lên trong sự thiếu kiểm soát, dẫn đến hệ lụy ngành cá tra Việt Nam mỗi năm mất 300 – 400 triệu USD.

>>  “Việc hình thành chuỗi liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mới là hướng đi hợp lý cho ngành cá tra”, ông Võ Đông Đức – Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) nhận định.

Tình trạng có quá nhiều đầu mối tham gia xuất khẩu, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng giá đã dẫn đến giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm mạnh. VASEP cho biết, Việt Nam có tới 160 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong đó 90 doanh nghiệp chào bán cá tra với giá dưới 2 USD/kg. Trong số doanh nghiệp bán cá giá thấp 90% là doanh nghiệp không có nhà máy chế biến hay vùng nuôi cá. Sự cạnh tranh này khiến giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm và là một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 1,44 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Liên kết “hai nhà” lỏng lẻo

Các trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng vốn bằng cách kéo dài thời gian trả tiền mua cá còn phổ biến. Nhiều trường hợp nông dân bán cá 4 – 5 tháng vẫn chưa nhận được tiền hoặc chỉ nhận được 20 – 30%, dù hợp đồng ghi rõ trả hết tiền trong 1 tháng.

Trong bối cảnh ngành cá tra hiện nay, để tiếp tục tồn tại thì các hộ nuôi cá tra phải liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cho rằng, việc hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân nuôi cá tra và doanh nghiệp với điều kiện tất cả các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp đều có vùng nuôi liên kết với nông dân là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành cá tra. Chuỗi liên kết sẽ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro thiếu nguyên liệu, còn nông dân sẽ yên tâm đầu tư nuôi cá do không phải lo đầu ra.

Tuy nhiên, theo ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), xu hướng khép kín chuỗi sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi cá đến chế biến xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhưng cách làm này thiếu bền vững. Để đầu tư nuôi cá bài bản, cộng với đảm bảo hoạt động chế biến xuất khẩu, cần phải có lượng vốn rất lớn, yêu cầu quản trị cao, mà điều này hoàn toàn không dễ. Trong hoàn cảnh thiếu vốn như hiện nay, doanh nghiệp dễ dẫn đến thất bại do phải thua lỗ ở nhiều khâu. Do đó, việc hình thành chuỗi liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mới là hướng đi hợp lý cho ngành cá tra.

 

Để cá tra trở lại quỹ đạo…

Vừa qua, Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” đã được triển khai thực hiện trong 4 năm (2013 – 2017) với tổng giá trị gần 2,4 triệu Euro. Kết thúc Dự án, ngành cá tra sẽ được giúp nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường…

Quan trọng hơn, việc ra đời Nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra sắp tới sẽ tháo gỡ những khó khăn và giải quyết cái gốc bất cập của ngành cá tra; khi đó vấn đề hàm lượng nước trong cá tra sẽ khắt khe hơn, xuất khẩu cá tra sẽ là nghề có điều kiện… Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các cấp, ngành chức năng và địa phương vùng ĐBSCL đưa cá tra trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.

>>  Nhiều nông dân nuôi cá tra cho rằng hiện nay vốn không còn là vấn đề then chốt, bởi cứ nuôi là lỗ nên không mấy ai dám đầu tư.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!