Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Ưu tiên phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013 đầy sóng gió đã khép với những thành tích đặc biệt ấn tượng của thủy sản Việt Nam, chứng tỏ khả năng “vượt sóng” thành công của ngành trên đường vươn ra biển lớn. Trước thềm năm mới 2014, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám (ảnh) đã thẳng thắn chia sẻ ý kiến cùng Thủy sản Việt Nam xoay quanh những thành tựu của ngành cũng như nhiều trăn trở còn bộn bề phía trước.

Nói về những thành công, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chia sẻ, đến thời điểm này có thể khẳng định xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2013 chắc chắn vượt mốc 6,5 tỷ USD.

Có được kết quả khả quan như hiện nay chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh của mặt hàng tôm. Dẫu gặp không ít khó khăn nhưng xuất khẩu tôm liên tục tăng trưởng 2 con số, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt mức kỷ lục.

 

Nhìn vào kết quả chung của ngành có thể thấy không chỉ con tôm bứt phá ngoạn mục mà các lĩnh vực khác cũng đã thu nhiều thành tựu đáng kể, thưa Thứ trưởng?

Các lĩnh vực khác đều có sự cố gắng vượt bậc, như trong khai thác hải sản tăng trên 3%, giá trị xuất khẩu tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2012. Nét mới của năm 2013 là thông tin phòng tránh thiên tai, kiểm soát tàu cá, dự báo ngư trường được cải thiện; ngư dân hiện diện trên các vùng biển xa ngày càng nhiều, lực lượng kiểm ngư được thành lập, các lực lượng chức năng trên biển được tăng cường năng lực… giúp ngư dân yên tâm bám biển, chủ động phòng tránh thiên tai, rủi ro và khai thác có hiệu quả. Hợp tác về nghề cá với các nước trong khu vực đã có triển vọng tích cực, tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý giảm; chúng ta đã đưa 8 tàu cá và ngư dân đi khai thác hợp pháp tại Indonesia bước đầu có kết quả tích cực, mở ra triển vọng mới trong hợp tác nghề cá với các nước.

 

2013 có thể coi là năm đặc biệt thành công cả trong nuôi trồng lẫn chế biến xuất khẩu tôm. Vậy những yếu tố nào giúp chúng ta đạt được thành tựu đáng tự hào như vậy, thưa Thứ trưởng?

Tôm nuôi nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng có sự phát triển ngoạn mục, lần đầu tiên vượt tôm sú cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Có được kết quả như vậy là nhờ sự cố gắng chung của toàn ngành. Từ năm 2012 đến nay, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt và tập hợp được các nhà khoa học hàng đầu thế giới và trong nước về bệnh tôm, đã xác định được tác nhân và nguyên nhân gây bệnh suy gan tụy cấp (còn gọi là Hội chứng tôm chết sớm – EMS) cùng với tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương bước đầu chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh (diện tích bị bệnh này chỉ bằng khoảng 20% cùng kỳ năm ngoái), trong khi các nước trong khu vực vẫn chưa kiểm soát được. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tăng tốc cả về lượng và giá xuất khẩu. Nhưng sự năng động sáng tạo, vượt khó của người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mới là yếu tố quyết định. Ngoài ra, sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời về mùa vụ, quy trình nuôi và đấu tranh có hiệu quả về các rào cản thương mại ở một số thị trường trọng điểm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò rất tích cực và quan trọng.

 Tại hội nghị Nuôi trồng thủy sản châu Á – Thái Bình Dương tổ chức mới đây tại TP Hồ chí Minh, nhiều đại biểu từ các nước đến tham dự đã đánh giá rất cao những kết quả mà Việt Nam đạt được trong việc phát hiện ra tác nhân gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng. Đây thực sự là một thành công rất đáng kể của ngành trong năm 2013.

 

Có một thực tế là trong nhiều năm, ngành thủy sản thường rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Bước sang năm mới 2014, Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với bà con ngư dân và doanh nghiệp để tránh tình trạng này?

Trước hết, phải nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường và diễn biến của thời tiết để mở rộng sản xuất, không vì tôm thẻ chân trắng năm nay được mùa mà phát triển ồ ạt bằng mọi giá, sản xuất phải tuân thủ các điều kiện và quy hoạch, tuân thủ mùa vụ và hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn. Thực hiện liên kết hiệu quả, bền vững giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với người sản xuất nguyên liệu theo hướng minh bạch, cùng chia sẻ lợi nhuận và trách nhiệm khi xử lý rủi ro.

 

Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo Thứ trưởng, Đề án này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của toàn ngành?

Đó là những định hướng, bố trí và cân đối lớn thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển các lĩnh vực, các vùng và sản phẩm chủ lực trên phạm vi cả nước cũng như ở mỗi địa phương; đồng thời, là cơ sở quan trọng để thực hiện đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong lĩnh vực thủy sản.

Trong quy hoạch này cũng đề cập những vấn đề về quy hoạch chế biến thương mại, đã tính đến những giải pháp thiết thực hơn để mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá sản phẩm của Việt Nam cũng như những giải pháp về nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thủy sản.

Đặc biệt, quy hoạch cũng có những tư tưởng về tổ chức lại sản xuất trong thủy sản, đặc biệt là từng bước hình thành 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó có 5 trung tâm ven biển gắn với các ngư trường trọng điểm. Nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng lớn, ngư dân ta năng động sáng tạo và kiên cường bám biển, nếu sớm được đầu tư, các trung tâm nghề cá lớn này không chỉ góp phần sớm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác hải sản mà còn hậu thuẫn vững chắc cho ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, yên tâm vươn khơi, bám biển.

 

Với lộ trình tái cơ cấu ngành trong năm 2014 theo đề án đã được phê duyệt, chúng ta sẽ ưu tiên đổi mới, tái cơ cấu những lĩnh vực nào, thưa Thứ trưởng?

Để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như đề án đã nêu, lĩnh vực thủy sản hướng vào lựa chọn các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao để phát triển như: cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá rô phi, cá ngừ… và một số đối tượng nuôi khác có thị trường, có lợi thế. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất trên từng lĩnh vực theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ. Trong khai thác, bắt đầu bằng điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường đến quy hoạch, tổ chức lại khai thác theo nhóm đối tượng chủ lực, theo nhóm nghề, theo từng ngư trường, vùng biển, trước mắt thí điểm tổ chức lại khai thác cá ngừ theo chuỗi; hiện đại hóa tàu cá, cơ cấu lại các nhóm tàu, tổ chức lại và khai thác vùng biển ven bờ và vùng biển xa bờ theo hướng giảm áp lực khai thác gần bờ, phát triển khai thác xa bờ. Đối với nuôi trồng, tập trung quy hoạch và hình thành các vùng nuôi tập trung với hạ tầng đảm bảo và áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào, chủ động nghiên cứu và đáp ứng đủ giống chất lượng được sản xuất từ trong nước đối với các đối tượng nuôi chủ lực. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi.

Riêng đối với chế biến thương mại, chúng ta sẽ tập trung vào các mặt hàng chứa giá trị gia tăng cao, chế biến các phụ phẩm, cũng như có quy trình nuôi một cách khoa học, giảm giá thành trong toàn bộ chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tổ chức tốt chế biến xuất khẩu để làm sao giảm bớt chi phí trung gian, nâng cao giá xuất khẩu, bắt tay trực tiếp với các hệ thống bán lẻ để giảm bớt khâu trung gian…

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

>> Bên cạnh khó khăn, vẫn có cơ hội về thương mại thủy sản, đặc biệt là các chính sách về tái cơ cấu ngành. Đó là những tác động thuận chiều để toàn ngành phát triển.

 

Hoàng Lan (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!