Ông Luca Micciché (Trung tâm Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững – ICAFIS): Tết Việt rất thú vị
Tôi đã làm việc ở Việt Nam hơn 2 năm và được đón hai cái Tết ở đây, lần đầu tiên ở Nha Trang, lần thứ hai ở Nam Định. Mọi người thường mời tôi tham gia các bữa tiệc và tôi thật sự thấy người Việt Nam rất thân thiện. Tuy nhiên, cũng có vài vấn đề mà tôi cảm thấy hơi ái ngại vào dịp Tết như: rất khó khăn trong việc đi du lịch khắp nơi do hệ thống giao thông quá tải; các cửa hàng thường đóng cửa; giá mọi mặt hàng đều tăng lên… Nhưng dù sao tôi vẫn thấy Tết Việt rất thú vị. Tôi nhớ một vài bữa tiệc lớn cùng bạn bè Việt Nam ở Nha Trang với những món ăn tuyệt vời và một vài lít bia. Còn ở Nam Định thì thiên về tâm linh hơn. Ở đây, sau đêm giao thừa tôi đã đến một ngôi chùa, sau đó đi xung quanh để thăm người thân và bạn bè của bạn gái tôi. Bạn gái tôi là người Việt Nam và tôi thấy con gái Việt Nam đẹp nhất châu Á. Họ đoan trang, lễ phép và sống hướng về gia đình.
Ông Henry Madsen (Đại học Copenhagen, Đan Mạch): Hy vọng sẽ lại được đón Tết ở Việt Nam
Tôi từng làm việc ở Việt Nam 3 năm và cũng được đón Tết ở Việt Nam 3 lần. Dường như không có sự khác biệt lớn giữa Lễ Giáng sinh/năm mới ở Đan Mạch và Tết cổ truyền ở Việt Nam. Đây là khoảng thời gian để gia đình đoàn tụ, tặng quà, cùng thưởng thức những món ăn ngon và rượu vang. Tuy nhiên, có một yếu tố thú vị là mỗi Tết ở Việt Nam đều có một cái tên, chẳng hạn năm nay là Tết con ngựa, năm trước là Tết con rắn và rồi lại có các câu chuyện về sự may mắn trong từng năm liên quan con giáp đó.
Tôi đang ở Đan Mạch, rất hy vọng có cơ hội trở lại Việt Nam làm việc và đón Tết. Tôi rất nhớ Tết Việt Nam, nhất là hương vị các món ăn ngày Tết. Ngoài ra, tôi cũng rất thích cá tra, basa Việt Nam. Khi đến thăm ĐBSCL, tôi đã chọn cá tra trong hầu hết bữa ăn của mình và phải kiềm chế để không ăn quá nhiều.
Ông Liou Hai Hua (Giám đốc ngành thức ăn thủy sản, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam): Ấn tượng trước cảnh người Việt về quê ăn Tết
Tôi đến Việt Nam làm việc từ năm 2006 và đã quản lý Công ty tại nhiều khu vực trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi thấy Việt Nam là một quốc gia tiềm năng cho ngành thủy sản; hệ thống sông ngòi phù hợp nuôi trồng thủy sản nước ngọt; đối tượng nuôi phong phú; công nhân, nông dân Việt Nam cần cù lao động…
Tôi sống, làm việc ở Việt Nam đã 8 năm và đã trực tiếp làm việc với nhiều nhà phân phối, đại lý, khách hàng trên các vùng miền cả nước, do vậy cũng phần nào hiểu được văn hóa, phong tục tập quán người Việt. Ấn tượng của tôi về Tết Việt là cứ mỗi khi Tết đến thành phố lại rất vắng vẻ bởi mọi người đều trở về quê. Tết Việt Nam có nhiều điểm giống Đài Loan chúng tôi. Các gia đình đoàn tụ, chúc nhau năm mới may mắn, mạnh khỏe, hạnh phúc, phát tài. Mọi người qua lại thăm hỏi, mời rượu nhau vui vẻ, đầm ấm… Lúc đó, tôi có cảm giác gần gũi như được đón Tết tại chính quê hương mình.
Ông Jean-Charles Diener (Giám đốc Công ty OFCO Sourcing Việt Nam): Mọi người dường như hạnh phúc hơn
Tôi đến Việt Nam năm 2000, bắt đầu với công việc phát triển thức ăn nuôi cá tra trong một công ty sản xuất thức ăn gia súc – gia cầm – thủy sản, đó là Proconco (một công ty liên doanh Việt – Pháp). Sau đó, tôi chuyển sang làm việc cho QVD (một công ty của Việt Nam). Tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm liên quan đến nuôi, chế biến cá tra và bắt đầu hiểu tiềm năng to lớn của loài cá này. 7 năm làm việc ở QVD, tôi là quản lý kinh doanh phụ trách tất cả các thị trường, trừ Mỹ và Australia. Năm 2007, tôi thành lập OFCO Sourching tại Việt Nam, sau này trở thành OFCO Group.
Tính đến nay, tôi đã làm việc ở Việt Nam 13 năm, nhiều lần được đón Tết tại đây. Tôi luôn bị thu hút bởi mọi đồ trang trí ở TP Hồ Chí Minh. Tết là thời điểm đặc biệt, không khí, thái độ mọi người dường như hạnh phúc hơn. Tôi người Pháp, vợ tôi người Phillipines. Quốc gia của hai chúng tôi không đón Tết Nguyên đán, thay vào đó đón Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Lần đầu tiên tôi đón Tết ở Việt Nam cách đây 13 năm. Mặc dù có nhiều hoạt động khác nhau để chào đón Tết giữa Pháp và Việt Nam nhưng cả hai đều có điểm chung là sự quây quần của gia đình và mong chờ khởi đầu mới tốt đẹp.
Ông Allen (Ming-Hsun) Wu (Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngành thủy sản, Công ty Nutriad): Cảm thấy khá thoải mái trong dịp Tết
Tôi bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ năm 2007. Tôi thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, rất tốt. Chính phủ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường thủy sản toàn cầu và các sự kiện, hội nghị, triển lãm thủy sản quốc tế liên quan. Điều quan trọng nhất là tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế như: GlobalGAP, BAP, ACC bởi những chứng nhận của các tổ chức này đã giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Mỹ, EU nhiều năm qua…
Làm việc ở Việt Nam đến nay đã 7 năm, tôi đã có nhiều lần được đón Tết tại Việt Nam. Nhớ nhất là lần đón Tết ở Nhà hàng Ferry trên sông Sài Gòn. Đây là một trong những kỷ niệm đẹp của tôi. Tôi và gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức âm nhạc và đi dạo dọc bờ sông. Khi đó, tôi đều thấy người và xe thưa thớt hơn hẳn ngày thường. Vì vậy, tôi cảm thấy khá thoải mái trong thời gian Tết. Người Việt Nam rất thân thiện, thường mời chúng tôi đến ăn tối với gia đình họ. Điều này giúp tôi có thêm kinh nghiệm tổ chức các bữa tiệc tại nhà. Và dĩ nhiên, bia, tiếng chúc tụng, hô hào 1, 2, 3 không thể thiếu.
Ông Chuang Jie Cheng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long): Tết Việt Nam nhộn nhịp, đằm thắm hơn Đài Loan
Tôi thường nói với các bạn của mình: “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi”. Năm 1998, tôi đến Việt Nam để tìm hiểu, khảo sát thị trường nuôi trồng thủy sản, thức ăn thủy sản và thức ăn gia súc. Từ năm 2000 đến nay, tôi chính thức sống và làm việc tại Việt Nam.
Tôi và gia đình từng đón một cái Tết thật đầm ấm và ấn tượng tại Việt Nam năm 2008. Chúng tôi có dịp đi ngắm chợ hoa tại công viên Tao Đàn, đi dạo trên các con đường khu vực trung tâm thành phố. Dọc hai hàng cây bên đường giăng đầy đèn trang trí; lồng đèn xanh đỏ lung linh xen kẽ những bông hoa giấy đủ màu sắc. Phía ngoài nhiều khách sạn lớn, trung tâm thương mại, công sở, cửa hàng đều trang hoàng bắt mắt, nhất là đường hoa Nguyễn Huệ bài trí nhiều cảnh làng quê Việt Nam rất ấn tượng, đầy thanh bình như: nhà tranh, lũy tre, ao cá, võng hoa… Nhìn vào các hộ dân, đâu cũng thấy những mâm ngũ quả được bày biện cẩn thận trên bàn thờ. Dường như hoa mai, hoa cúc không thể thiếu trong ngày Tết Việt Nam. Chốc chốc chúng tôi lại gặp những đoàn múa lân sư tử biểu diễn với những hồi trống liên hồi. Chúng tôi đã chụp lại rất nhiều ảnh kỷ niệm. Nhưng thời khắc tôi thích nhất vẫn là giao thừa, lúc mọi người đếm ngược từ 10 đến 0, một tiếng pháo nổ vang, kèm theo những màn pháo hoa đẹp mắt. Đang xem, bất ngờ những bạn Việt Nam xung quanh chưa hề quen bắt tay chúc mừng tôi và gia đình tôi. Một cảm giác thật gần gũi và thân thiện. Không khí ngày Tết truyền thống tại Việt Nam thật sự nhộn nhịp và đằm thắm hơn Đài Loan.