Lãi và huề

Chưa có đánh giá về bài viết

Đã thành cái lệ, cứ sau tết là y như rằng thấy tràn ngập tin ngư dân trúng mùa, được lộc biển… lãi lắm. Ngày xuân, xem những tin ấy thấy cũng vui hơn, mừng cho anh ngư dân, tết ra hết ngay đói khổ. Đọc kỹ, xem kỹ thấy có vẻ… “nói vậy mà không phải vậy”.

Cái gọi là “lãi” thực chất là hiệu số của tiền bán cá với chi phí trực tiếp của chuyến đi. Xin lấy số lãi “ngon lành” 100 triệu cho chuyến biển xa bờ mà thường mỗi tháng có 1 chuyến, tính thử xem vợ con anh ngư dân được bao nhiêu. Khoản tiền trăm triệu ấy chia hai (5:5) theo công thức chia phổ biến của dân biển hiện nay, cho chủ tàu và đi bạn. Khoản 50 triệu chia cho bạn 10 – 15 người tùy nghề (có nghề như vây rút chì đến 20 bạn). Thu nhập đi bạn cũng chừng 3 – 5 triệu đồng/chuyến, cũng là thu của cả tháng của anh ngư dân. Khoản thu này cũng có thể là khoản thu duy nhất của gia đình ngư dân ấy, khi gia đình họ phần lớn không có ruộng và khi các cửa biển liên tục bị bồi lắng, tàu thuyền không về bến nhà được, để những người phụ nữ trên bờ có thêm việc vá lưới, hay buôn bán con cá tạp.

Trong chuyến đi trước tết của tôi với chiếc tàu đánh cá nghề vây rút chì ở Quảng Bình có 25 người đi bạn, trong số này chỉ 2 người vợ ở nhà có việc làm. Cái khoản chia, được tính là “lãi” ấy cho cả nhà anh ngư dân sống ở làng chài, thường không có vườn rau, mà rau và mọi hàng hóa khác còn đắt đỏ hơn ở thành phố. Mỗi năm 10 chuyến biển, khoản thu ấy chắc đủ để gia đình anh ngư dân sống ở chuẩn… nghèo thực sự. Với chủ tàu, con tàu và ngư lưới cụ trị giá 3 – 4 tỷ đồng, mỗi năm cũng cần 400 đến 500 triệu khấu hao, sửa chữa. Vậy là cả chủ lẫn bạn đều… huề. Lãi chăng theo một ngư dân: “ở mấy đứa con lớn dần”… còn mình già đi. Lương hưu của anh lúc về già trông vào khoản “lãi con” ấy.

Chuyện đi biển về huề, nhàn lắm, khỏi phải tính ăn chia cho mệt cái đầu. Lên bờ có xâu cá làm quà cho con, chi tiêu trong nhà nếu chuyến biển trước còn đồng nào tiêu nốt, hết thì: “mụ vợ đi bốc bạc nóng quanh xóm” lãi suất cũng chừng 5 – 10%/tháng. Vài chuyến biển huề, cộng thêm mùa biển động, đủ cho cái khoản “lãi nóng” phình to. Cũng thường vào dịp năm học mới của lũ trẻ, nơi anh ngư dân mơ ước là của để dành, nhìn cha mẹ ướm các khoản đóng góp cho năm học mới. Ngần ấy lý do để anh ngư dân nhìn vào đàn con xem đứa nào lớn chút chút, làm được chút chút, cho nghỉ học theo cha lên tàu ra biển phụ việc, lấy cơm ăn. Chủ tàu, chỉ vài chuyến huề là kiệt, hết tiền sửa chữa tu bổ, xách con tàu ốm ra biển… hên xui. Đợt trước tết Giáp Ngọ, tôi ở của biển Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi) cả tuần, biển động, cá ít, 10 tàu về có đến 5 tàu cả chủ lẫn bạn buồn rười rượi “không đủ tổn”.

 H…uề và lỗ. Cái tết cận kề mà những người đàn ông về nhà không mang theo tiền.

Chuyện “lãi” của ngư dân, có nói quá lên cũng… không chết ai. Anh ngư dân tay làm hàm nhai, nói sao là việc nói, ảnh hưởng gì đến họ, còn hay ở chỗ “vui vài trống canh” cho người trên bờ lúc xuân sang. Vui cũng tốt, nhưng sao không nói đúng lãi hay lỗ của họ, để người trên bờ, ít nhất, hiểu chân thực hơn về cuộc sống, về cái nghèo truyền kiếp của người dưới biển nhỉ?

Đức Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!