Để Cà Mau phát huy được lợi thế của mình, gia tăng giá trị sản xuất, các ngành chức năng của tỉnh cũng cần đẩy mạnh thêm các biện pháp, củng cố và hoàn thiện công tác quy hoạch. Đây cũng là những chia sẻ của ông Nguyễn Công Quốc (ảnh), Trưởng phòng Quản lý nuôi, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh.
Tình hình sản xuất tôm giống hiện nay của Cà Mau ra sao, thưa ông?
Toàn tỉnh hiện có 786 cơ sở sản xuất và 184 cơ sở kinh doanh tôm giống, với năng lực sản xuất hàng năm đạt khoảng 8 – 9 tỷ con, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tôm giống trong tỉnh. Số còn lại khoảng 10 – 11 tỷ con là nhập ngoài tỉnh. Cùng đó, là 147 đại lý, cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, năng lực cung cấp sản phẩm của các cơ sở này khoảng 85%.
Vấn đề nhức nhối từ lâu đó là nguyên liệu sản xuất và chất lượng con giống chưa đảm bảo. Vậy theo ông, cần có giải pháp nào?
Ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người sản xuất và các doanh nghiệp nhằm xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất tôm giống với người dân; giữa doanh nghiệp thu mua và chế biến thủy sản với vùng nuôi, vùng sản xuất; giữa doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thức ăn thuốc thú y, chế phẩm sinh học… Trong đó, coi trọng khâu gắn kết cụ thể, chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất giống với các vùng nuôi, các chi hội, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại tại nhiều mô hình, vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung; trước hết về cung ứng tôm giống – một trong những khâu quyết định thành bại cho mỗi mùa vụ nuôi tôm. Từ đó, các bên đã thống nhất cộng đồng trách nhiệm và đi đến ký các hợp đồng liên kết, nhằm cung cấp tôm giống chất lượng bảo đảm và kèm theo những ưu đãi về giá con giống ổn định, hỗ trợ quy trình kỹ thuật nuôi; đồng thời, nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác trong điều kiện mới.
Kế hoạch năm 2014, những việc gì cần phải triển khai để đạt hiệu quả, tăng giá trị cho người dân, thưa ông?
Để giúp người nuôi đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp Cà Mau khuyến cáo chỉ nuôi 1 vụ chính/năm. Với sú thâm canh, thả giống từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, với thẻ chân trắng và sú quảng canh cải tiến nuôi 2 vụ/năm. Thời gian thả giống với tôm thẻ chân trắng từ tháng 1 đến tháng 5 dương lịch; từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch với sú quảng canh cải tiến và từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch vụ tiếp theo với cả tôm thẻ và sú quảng canh cải tiến.
Ngoài ra, năm 2014, Cà Mau sẽ tập trung xử lý một số tồn tại trên lĩnh vực kinh tế như sắp xếp lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài theo hướng sáp nhập hoặc giải thể, phá sản; xử lý tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gắn với đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực tham nhũng có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và xuất khẩu để đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe của thị trường. Đồng thời, “Nói không với tôm tạp chất” là một kế hoạch lớn cần sự đồng thuận từ rất nhiều phía.
Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn như: mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất tôm, lúa; Đồng thời, củng cố và nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác: Hợp tác xã, tổ hợp tác hướng đến cho họ làm dịch vụ và tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện đầu tư vào nuôi tôm.