Thủy sản Việt Nam sau 55 năm hình thành và phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng nay, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu thành tựu thủy sản Việt Nam sau 55 (1/4/1959 – 1/4/2014), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn chủ trì.

Ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm làng cá Cát Bà (TP Hải Phòng) sau những ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch đối với đồng bào và chiến sĩ nơi đảo xa. Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm là ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với quy mô ngày càng sâu rộng. Cụ thể, về lĩnh vực nuôi trồng, từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính tự cấp, tự túc, đến nay, nuôi thủy sản đã trở thành một ngành hàng hóa tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển trên tất cả các loài thủy vực nước ngọt, lợ, mặn theo hướng bền vững. Diện tích tăng nhanh từ 491,7 nghìn tấn (1990) lên 1.037 nghìn tấn (2013), với tổng sản lượng từ 1,02 triệu tấn (2009) lên 5,92 triệu tấn (2013). Trong đó, 2 đối tượng chủ lực (tôm, cá tra) cũng ghi nhận nhiều thành tựu khả quan, trở thành mặt hàng xuất khẩu chính, kim ngạch tương ứng là 3,1 tỷ USD và 1,7 tỷ USD (2013).

Trên phương diện khai thác thủy hải sản, số lượng tàu thuyền tăng nhanh theo chiều hướng giảm số lượng tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ và gia tăng tàu công suất lớn khai thác xa bờ. Đến năm 2013, cả nước có trên 27.200 tàu công suất trên 90 CV, tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ tăng nhanh, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng khai thác thủy hải sản, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng cá ngừ, mực và bạch tuộc đạt gần 1 tỷ USD. Cùng đó, công tác đảm bảo an toàn trong khai thác cũng được đẩy mạnh, giảm tổn thất sau thu hoạch được cải thiện đáng kể.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những thắng lợi trong lĩnh vực thủy sản; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định, khi mà lợi ích của người sản xuất chưa được đảm bảo, nhiều bất cập trong chất lượng vật tư đầu vào, vấn đề dịch bệnh… Do đó, để ngành thủy sản phát triển vững mạnh cần sự tham gia của toàn thể xã hội, sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan; đặc biệt là nhận thức của người dân, cũng như sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về lĩnh vực thủy sản. Để ngành thủy sản phát huy được tiềm năng, thế mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tin, ảnh: Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!