Mặc dù được khuyến cáo, nhưng do giá cao và lợi nhuận lớn nên tôm thẻ chân trắng (TTCT) vẫn tiếp tục được thả nuôi ồ ạt, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ vỡ quy hoạch trong nuôi tôm!
Tôm thẻ tràn đồng ruộng
Những ngày này, nhiều hộ ở huyện Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thuê máy cuốc đào phá bỏ ruộng mía, làm ao nuôi tôm. Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, người dân không còn mặn mà trồng mía nữa, do giá mía nguyên liệu xuống thấp, chi phí sản xuất cao, lãi ít, thậm chí lỗ. Trong khi đó, dịch bệnh trên tôm tại tỉnh Sóc Trăng giảm, người nuôi tôm trúng giá, cuộc sống khá hẳn lên.
Ông Lâm Thăng Bằng (ấp 2, thị trấn Long Phú) cho biết, ông có một ao rộng 4.200 m², đến nay đã thả nuôi 3 vụ TTCT, vụ nào cũng trúng. Trừ hết chi phí, còn lãi hơn 1,4 tỷ đồng, hiệu quả hơn hẳn nuôi tôm sú; vì vậy vụ tôm 2014 này ông thuê thêm đất mở rộng diện tích nuôi TTCT.
Nhiều hộ dân đang đầu tư đào ao nuôi TTCT – Ảnh: Trần Út
Tại nhiều tỉnh khác, người ta cũng đang chạy đua nuôi TTCT. Bà Phạm Thị Gặp (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) nói: “Vụ vừa rồi, lần đầu thử nghiệm nuôi TTCT mật độ 50 con/m². Không ngờ chỉ hơn 2,5 tháng chăm sóc đã kéo hầm bán cho thương lái với giá 160.000 đồng/kg, lãi hơn 200 triệu đồng. Thấy TTCT “dễ ăn” nên vụ mới 2014, tôi tập trung nuôi TTCT”. Tại Đồng Tháp, diện tích nuôi TTCT hiện nay 6,2 ha, với số lượng tôm giống 8,4 triệu con, chủ yếu tại huyện Tam Nông và thị xã Hồng Ngự, đối tượng nuôi này đang có xu hướng phát triển thêm.
Nhiều thách thức
Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nói: “TTCT đang lên đời, nhiều hộ bỏ mía chạy theo tôm. Nhưng không phải ai cũng nuôi tôm được, bởi vốn đầu tư rất lớn, bình quân 600 – 800 triệu đồng/ha. Chưa kể nghề nuôi tôm luôn ẩn chứa rủi ro lớn”.
Người dân đổ xô thả nuôi TTCT dẫn đến nhu cầu tôm giống chất lượng rất lớn. Trong khi đó, việc kiểm soát tôm giống còn thả nổi và khó đáp ứng đủ nhu cầu. Dịch bệnh tôm nuôi thường xuyên tái diễn cũng khiến người nuôi rất lo. Vụ tôm năm ngoái, tại một số địa phương ở ĐBSCL, các hộ thả tôm sớm đều bị thiệt hại do gặp thời tiết lạnh, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy chết hàng loạt. Do vậy, vào vụ mới này, nhiều hộ còn chần chừ. Bên cạnh đó, bất chấp khuyến cáo của các nhà chuyên môn, nông dân mở rộng diện tích, thả nuôi ngay trong vùng đang xảy ra dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao.
Vấn đề nan giải nữa là tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, chủ yếu là hệ thống thủy lợi, điện sản xuất và giao thông, trong đó điện sản xuất là yếu tố rất bức xúc của người dân tại các địa phương.
Ông Phạm Văn Quắn (ấp 4, Mỹ Long Nam, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) phân tích: “Nuôi tôm sú công nghiệp chỉ cần chạy quạt nước 8 – 10 giờ/ngày đêm, nhưng nuôi TTCT phải chạy 20 giờ/ngày đêm bởi nuôi mật độ dày. Chính vì diện tích TTCT tăng nhanh, cộng với nhu cầu sử dụng điện quá lớn nên ngành điện không thể đáp ứng kịp”. Chưa kể việc sử dụng điện không an toàn dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc. Trong khi đó, mua máy phát điện riêng rất tốn kém, với chi phí vài trăm triệu đồng.
Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng cho rằng: Tình hình nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch là điều đáng lo ngại vì khả năng đáp ứng nguồn nước mặn sẽ tổn hại tài nguyên nước ngầm và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhiều chuyên gia nhận định, trước thực trạng trên, sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến vỡ quy hoạch nuôi tôm và người dân phải chịu tổn thất đầu tiên.
>> Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014 nhiều khả năng ngành tôm Thái Lan và Trung Quốc sẽ phục hồi, giá tôm có thể giảm. Vì thế, người nuôi cần theo dõi chặt diễn biến thị trường, tránh mở rộng diện tích ào ạt dễ dẫn đến hệ lụy. |
Vũ Mưa
>> Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản: Việc phát triển nuôi TTCT ngoài quy hoạch đã dẫn đến những biến động đến kinh tế – xã hội. Người nuôi phát triển ồ ạt theo giá, chưa có định hướng rõ ràng về phát triển ổn định và chưa được đầu tư bền vững lâu dài về cơ sở hạ tầng. Đây là vấn đề được các cấp quản lý rất quan tâm khi không thể phát triển cơ sở hạ tầng phá vỡ tính bền vững của các quy hoạch hiện có, và cũng khó có thể ngăn cản người dân phát triển vì sinh kế và tính hiệu quả của nó. Vì vậy, cần có quy hoạch phát triển nuôi TTCT ở những tỉnh, thành có điều kiện phát triển nuôi TTCT. Xây dựng quy hoạch vùng chuyên nuôi TTCT trên quy mô toàn quốc là cần thiết, nhằm quản lý tốt vùng nuôi, nguyên liệu ổn định, thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc và hạn chế, kiểm soát việc lây lan dịch bệnh.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp: TTCT là đối tượng nuôi ở vùng nước lợ, cho năng suất và sản lượng cao hơn so với nuôi ở vùng nước ngọt. Bên cạnh đó, về mặt pháp lý chưa có văn bản nào khuyến khích nuôi TTCT trong vùng nước ngọt. Hiện, tại tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện tình trạng người dân thả nuôi TTCT tại vùng chuyên canh tôm càng xanh là huyện Tam Nông và thị xã Hồng Ngự. Tỉnh không khuyến khích thực trạng này, đồng thời khuyến cáo người nuôi thận trọng, tránh nuôi tự phát mà phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng theo dõi đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng cần nghiên cứu thêm về tiềm năng của TTCT, cũng như tác động đối với môi trường… để đưa ra những định hướng phù hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Phục, ấp Phạm Thành Hơn B, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: Hiện, giá bán 1 ha mía 43 – 50 triệu đồng, với mức này nông dân chúng tôi không có lãi. Trong khi đó, 1 ha đất trồng mía nếu cho thuê là 350 triệu đồng trong thời gian 5 năm và người thuê trả tiền một lần. Như vậy, bình quân 1 công đất (1.000 m2) cho thuê được hơn 5 triệu đồng, người trồng mía không cần đầu tư cũng thu lợi nhuận 5 triệu đồng/năm. Chính vì thế, những ruộng mía nơi đây nhanh chóng được chuyển sang ao nuôi tôm ngày càng nhiều. Tôi vừa đầu tư đào 4.500 m2 ruộng mía sang nuôi tôm, chi phí đầu tư này hết khoảng 170 triệu đồng nhưng nếu nuôi tôm trúng sẽ thu hồi vốn rất nhanh. Hy vọng con tôm sẽ thay đổi cuộc sống của gia đình tôi sau bao năm gắn bó với cây mía. Hải Linh (ghi) |