“Là quốc gia ven biển, kinh tế biển phải trở thành động lực, ngành thủy sản phải giữ mãi sự lựa chọn tin tưởng, tình cảm của người tiêu dùng khắp thế giới” – Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc Festival Thủy Sản Việt Nam – Phú Yên, tối 29/3/2014.
Sôi nổi hoạt động
Festival Thủy sản Việt Nam liên tục diễn ra từ ngày 27/3 đến 2/4 tại TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và các huyện Tuy An, Đông Hòa. Với chủ đề “Thủy sản Việt Nam – Hội nhập và Phát triển”, chương trình gồm 18 hoạt động lớn như: Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản; Hội nghị tổng kết vụ cá Bắc, triển khai vụ cá Nam; Lễ hội Cầu ngư; Diễn đàn Nông nghiệp, quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung; Lễ phát động thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi; Diễn đàn “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị”…
Ngoài ra, còn có Chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, ca nhạc “Chào mừng Festival Thủy sản Việt Nam – Phú Yên 2014”; Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; Tuần lễ Trưng bày sách về thủy sản và biển đảo Việt Nam; Tuần lễ Phim về biển, đảo Việt Nam; Hội chợ triển lãm Thủy sản, Công nghiệp và Thương mại vùng Duyên hải Nam Trung bộ; Hội thi Ẩm thực cá ngừ đại dương và Liên hoan ẩm thực cá ngừ đại dương; Lễ hội đường phố “Sắc màu của biển”; Chương trình nghệ thuật Ngày hội cá ngừ Việt Nam.
Trước đó, sáng 29/3, tại TP Tuy Hòa, Ban tổ chức Festival đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng Duyên hải miền Trung”. Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng thuộc Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung cho biết, đến năm 2012, giá trị sản xuất toàn ngành của Vùng Duyên hải miền Trung đạt 27.337,55 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 34,15% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản và chiếm gần 5% giá trị xuất khẩu chung toàn vùng; Trong đó, giá trị thủy sản khai thác đạt hơn 2.384 tỷ đồng.
Hội thi Ẩm thực cá ngừ đại dương tại Festival Thủy sản 2014 – Ảnh: Ngọc Chung
Bên cạnh các hoạt động sôi nổi đó, đã có hơn 200 doanh nghiệp đến từ 37 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ Thủy sản – Công nghiệp – Thương mại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đã khai mạc tại thành phố Tuy Hòa (tối 28/3). Hội chợ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) phối hợp tỉnh Phú Yên tổ chức. Đến với hội chợ có trên 500 gian hàng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực đánh bắt, chế biến thủy sản của các địa phương; trưng bày, bán các sản phẩm nông nghiệp, cơ khí, máy móc, hàng mỹ nghệ và trang trí nội thất. Đây là dịp để các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, ký kết hợp đồng kinh tế mở rộng thị trường và tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm; Dự kiến đến ngày 2/4, hội chợ sẽ thu hút khoảng 200.000 lượt khách tham quan.
Chất lượng và uy tín
Nhiều năm qua, bằng trí, lực người nông dân, ngư dân Việt Nam đã đem nguồn ngoại tệ lớn về góp phần hiện đại hóa quê hương đất nước. Bà con ngư dân không chỉ vì mưu sinh, gian khó bám biển, bám ngư trường, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bảo vệ biển đảo Tổ quốc như lời Bác Hồ căn dặn: “Biển bạc của ta, do dân ta làm chủ”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến tới thâm nhập, mở rộng thị trường. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để nâng cao năng suất, hiệu quả.
Với chủ đề phát triển – hội nhập, Festival Thủy sản Việt Nam – Phú Yên 2014 là dịp tôn vinh nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ; Cơ hội để giao lưu, xúc tiến, thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển ngành thủy sản Việt Nam. Đây cũng là dịp để Phú Yên – địa phương nổi danh với nghề câu cá ngừ đại dương truyền thống – giới thiệu hình ảnh, truyền thống văn hóa, và nhất là những người nông dân, ngư dân cần cù, khí phách và nhân hậu, chỉ một lòng cầu mong an lành, no ấm cho mình và cho mọi người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, sau Festival, ngành thủy sản Việt Nam sẽ được tiếp thêm sức sáng tạo và quyết tâm vươn lên; Cùng đó, tỉnh Phú Yên có thêm nguồn động lực để cùng các địa phương trong cả nước phát huy thật hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng phát triển nhanh hơn.
Phát triển bền vững
Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 là cơ bản được công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới. Kinh tế thủy sản sẽ đóng góp 30 – 50% GDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản 8 – 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn; trong đó, nuôi trồng chiếm 65 – 70% tổng sản lượng; tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Bộ đã xây dựng kế hoạch và đang trình Chính phủ xây dựng 6 trung tâm nghề cá lớn gắn kết với các ngư trường trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, với khu công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản, các địa phương cần triển khai từng hành động cụ thể góp phần thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 thành công.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo phải đặt trong mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời… Đối với ngư dân đánh bắt hải sản ngoài khơi, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ để họ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải; Đồng thời, chú trọng đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực biển, đầu tư có tính đột phá cho cơ sở hạ tầng. Những bất cập trong chính sách đầu tư, thủ tục hành chính, sự thiếu hụt nguồn nhân lực… cần sớm khắc phục. Nhìn ra biển, con đường phát triển sáng lạn nhưng còn chứa đựng nhiều sự lựa chọn không dễ dàng; Đó là: hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo luôn cần sự năng động, sáng tạo đi kèm với đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò và vị thế của biển, hải đảo.
>> Với chủ đề phát triển – hội nhập, Festival Thủy sản Việt Nam – Phú Yên 2014 là dịp tôn vinh nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ; Cơ hội để giao lưu, xúc tiến, thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển ngành thủy sản Việt Nam. |