Ngành thủy sản Việt Nam đang phát triển nhanh và ổn định, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế cả nước; tỷ trọng sản xuất nông – lâm – thủy sản trong nền kinh tế quốc dân tăng dần qua các năm. Thành tựu này sở dĩ có được là nhờ sự góp sức của toàn ngành, sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả từ trung ương tới địa phương.
Sự tăng trưởng vượt bậc
Ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng cá Cát Bà (TP Hải Phòng). Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 1/4 hằng năm là Ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam.
55 năm xây dựng và phát triển, nghề cá Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội đất nước, với quy mô ngày càng sâu rộng, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, từ chỗ là một nghề phụ mang tính tự cấp tự túc, đến nay đã trở thành một ngành hàng hóa tập trung, với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển trên tất cả các loài thủy vực nước ngọt, lợ, mặn. Diện tích nuôi thủy sản tăng đều qua từng năm, từ gần 500.000 ha (1990) đến nay đã hơn 1 triệu ha; sản lượng nuôi trồng tăng từ 23% (1990) lên hơn 54% (2013), với hai sản phẩm chủ lực tôm và cá tra.
Trên phương diện khai thác thủy hải sản, số lượng tàu thuyền tăng nhanh theo chiều hướng giảm tàu công suất nhỏ, khai thác ven bờ; gia tăng tàu công suất lớn, khai thác xa bờ. Năm 2013, cả nước có khoảng 27.200 tàu công suất trên 90 CV, tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ tăng nhanh, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng khai thác, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng cá ngừ, mực và bạch tuộc gần 1 tỷ USD. Cùng đó, công tác đảm bảo an toàn trong khai thác cũng được đẩy mạnh, giảm tổn thất sau thu hoạch được cải thiện đáng kể.
Vẫn còn chông chênh
Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có biển và hơn 4 triệu lao động nghề cá; giá trị kinh tế mang lại của nghề cá không nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng” đó vẫn còn những “khoảng tối”.
Trước hết, trong lĩnh vực khai thác, đến nay đội tàu phần nhiều còn thô sơ, chất lượng thấp, hiệu quả không cao; ngư dân còn gặp nhiều rủi ro từ thiên tai, tranh chấp chủ quyền, bị bắt giữ và cướp phá… Mặt khác, cơ sở hạ tầng (kho, bến bãi) chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hiện nay; nhiều bến, cảng chưa được nâng cấp, tu sửa…; Chưa công bố được trữ lượng nguồn lợi và khả năng khai thác hải sản của từng vùng (nguồn lợi thủy sản đang dần cạn, nhiều hình thức khai thác theo kiểu tận diệt chưa được giải quyết triệt để)…
Hiện, sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu tới hơn 170 thị trường – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Trước thực tế này, Nhà nước đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, như cảng cá, trạm thông tin, phương tiện cứu hộ cứu nạn, hình thành các dịch vụ về thông tin ngư trường, nguồn lợi, phát triển nguồn nhân lực, cũng như cho ngư dân vay vốn mua máy móc trang thiết bị, nhiên liệu… Tuy nhiên, trên thực tế, những chính sách này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của ngư dân. Đó là chưa kể nhiều chính sách không đến được ngư dân hoặc đến nhưng chưa động viên, khuyến khích được họ.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất. Đồng thời, chất lượng vật tư đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc…) còn nhiều bất cập, vẫn “thật – giả lẫn lộn”; thị trường tiêu thụ còn nhiều rào cản; tình trạng “cung – cầu” chưa được điều tiết hợp lý dẫn tới hiện trạng “được mùa mất giá” vẫn còn tái diễn, người sản xuất chưa thực sự được bảo vệ, chưa có lợi nhuận bền vững. Mặt khác, tình trạng thiếu nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu diễn ra triền miên nhiều năm qua, chắc chắn còn tiếp tục trong thời gian tới.
Phát triển bền vững hiệu quả và bền vững
Đây cũng là chủ đề của Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu hướng tới của ngành: Đến năm 2020, tỷ trọng sản lượng hải sản khai thác xa bờ đạt khoảng 63,6% tổng sản lượng khai thác hải sản (hiện nay 48%); sản lượng khai thác ven bờ giảm còn 36,4%. Mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất và xuất khẩu thủy sản đạt trên 6%/năm. Mức sống của cộng đồng ngư dân ven biển cũng được nâng lên khi đến năm 2020, thu nhập bình quân lao động cao gấp 2,5 lần so với 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu từ cá tra và tôm lên 8 tỷ USD.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, để giúp ngư dân yên tâm bám biển, điều quan trọng lúc này là có được những chính sách đồng bộ để ngư dân hành nghề tốt nhất trên biển, cũng như đưa nghề cá Việt Nam phát triển hiện đại theo đúng nghĩa, xứng tầm quốc gia biển. Không chỉ có những đội tàu đánh cá xa bờ công suất lớn, mà còn có những trung tâm hậu cần nghề cá, những cảng cá, âu tàu hiện đại. Thêm nữa là những chính sách hỗ trợ ngư dân mỗi khi gặp thiên tai, rủi ro trên biển, nguồn vốn vay để đóng mới tàu thuyền, hay những chia sẻ, tấm lòng của nhân dân cả nước qua quỹ hỗ trợ ngư dân, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”…
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng thủy sản rất lớn, nhưng hiện ngư dân vẫn chưa thể giàu lên. Do vậy, theo ông Thiên, cần phải kết hợp tốt hơn nữa đánh bắt với nuôi trồng; có chiến lược lâu dài, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt vươn xa hơn (như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản) cũng như thay đổi cách nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phải tính đến “đẳng cấp”, tập trung vào những sản phẩm chiến lược và có thế mạnh.
>> Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam vươn tới hơn 170 thị trường; kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt hơn 6,7 tỷ USD, gấp hơn 32 lần so năm 1990, trở thành một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. |