Từ cuối năm 2013 đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL tăng chóng mặt, không chỉ vượt qua quy hoạch của địa phương, mà còn vượt qua khả năng cung ứng của ngành điện. Tình trạng “cưỡng bức” điện, giao động độ sụt áp, cháy nổ máy biến áp… diễn ra hàng ngày.
Tôm nuôi “vượt” kiểm soát
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi tôm công nghiệp đến năm 2015 của tỉnh đạt 10.000 ha; nhưng đến cuối năm 2013, diện tích này đã hơn 6.200 ha, đào ao nuôi tự phát, ngoài vùng quy hoạch, tăng nhanh diện tích ao nuôi ở huyện Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn…
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Điện lực Cà Mau cho biết, dự án phát triển lưới diện nuôi tôm công nghiệp (giai đoạn 1) đã kéo được 119 km đường dây trung thế 3 pha 22kw, có thể cung cấp 3.937 ha, cho 3.728 hộ nuôi tôm. Dù đã đầu tư hơn 102 tỷ đồng điện lưới 3 pha để nuôi tôm nhưng chỉ mới cung cấp được 215 hộ.
Lưới điện 3 pha cho nuôi công nghiệp ở Cà Mau đến vùng quy hoạch nhưng bà con nuôi tôm công nghiệp lại không nằm trong vùng quy hoạch, phải sử dụng điện sinh hoạt để nuôi tôm. Ông Trần Văn Khiếm, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm công nghiệp Tân Long, xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi) nói: “Chi phí hạ thế đường dây 3 pha đắt đỏ, cộng với thiết bị sử dụng điện phải thay thế làm cho bà con nuôi tôm không thể sử dụng vì tốn kém đầu tư”.
Điện bị cưỡng bức
Ông Nhiếp Mạnh Tiến, ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) nuôi tôm công nghiệp cho biết, chi phí sử dụng điện chạy quạt, bơm ôxy chỉ tốn chừng 1/3 so chạy bằng máy dầu để kéo môtơ. Ông cho biết: “Vừa rồi, điện cúp bất ngờ, máy kéo môtơ bị hư, tôm rớt đáy liền, phải kêu người kéo lên bán”.
Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Hưng Đông, Trần Thới (huyện Cái Nước), xã Việt Thắng, thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), xã Hiệp Tùng, Đất Mới (huyện Năm Căn)…phần lớn nằm ngoài vùng quy hoạch, thiếu điện gay gắt, mâu thuẫn người nuôi tôm với người dân mất điện sinh hoạt. Người nuôi tôm thuê người đóng điện, chèn các vật dụng hoặc đổ keo 502 để cầu dao tự động không tự ngắt khi quá tải.
Hiện, người nuôi tôm đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng – Ảnh: Trần Út
Ở ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Đông, những người nuôi tôm hùn tiền thuê 3 người canh trực cầu dao tổng. Khi sản lượng tiêu thụ tăng, quá tải, cầu dao tự nhả ra thì dùng cây đóng cầu dao lại. Ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông có gần 300 hộ dân, hiện có 56 hộ nuôi 120 ao tôm công nghiệp.
Ông Lê Minh Sơn, Phó trưởng ấp Ông Khâm cho biết: “Những hộ nuôi tôm công nghiệp sử dụng điện nhiều, gây mất điện, ảnh hưởng đếm bà con trong khu vực. Nhưng lợi nhuận của tôm thẻ chân trắng như cơn lốc, vài vụ trúng thành tỷ phú thì sao ngăn cản”.
Bà Nguyễn Thị Út, ở ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Đông nói: “Con tôm công nghiệp tràn về xứ này, bà con phải đốt đèn cầy (nến), bỏ xem ti vi, cự cãi hàng xóm…”. Hỏi ra, tiệm tạp hóa bán được nhiều đèn cầy, thợ sửa chữa điện làm không xuể vì thiết bị điện hư liên tục do điện chập chờn.
Hệ lụy
Ông Quách Minh Luân, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau cho biết, dự án đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp vừa hoàn thành vào cuối năm 2013, đề nghị Điện lực Cà Mau tranh thủ nguồn vốn để tiếp tục phát triển lưới điện này. Trong khi, Giám đốc Điện lực Cà Mau, ông Lâm Xuân Tuấn lại cho rằngnhu cầu điện sử dụng vào nông nghiệp của nông dân là rất chính đáng, ngành điện chưa đáp ứng được. Về lâu dài, việc quy hoạch mạng điện 3 pha phục vụ bà con nuôi tôm công nghiệp. Cái khó nhất hiện nay là bà con tự phát nuôi tôm công nghiệp không theo quy hoạch. Điện lực Cà Mau đang điều chỉnh vận hành kỹ thuật, chia tải các trạm hạ thế, tách trạm biến áp để giảm đường kính cung cấp điện và kiểm tra việc sử dụng của người nuôi tôm.
Bên cạnh đó, nguồn điện không đủ đáp ứng cho mô hình nuôi TTCT, khi diện tích này ngày một tăng cao. Như chia sẻ của một hộ nuôi tôm tại Trà Vinh, nuôi TTCT phải chạy 20 giờ/ngày đêm bởi mật độ thả nuôi dày. Chính vì diện tích TTCT tăng nhanh, cộng với nhu cầu sử dụng điện quá lớn nên ngành điện không thể đáp ứng kịp. Giải pháp chữa cháy của người nuôi tôm là tự đi mua dây, kéo điện sử dụng, nhưng nguồn điện yếu ớt nên buộc phải trang bị máy dầu kèm theo. Trong khi muốn mua máy phát điện riêng thì rất tốn kém, chỉ có những hộ khá mới đầu tư nổi.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT Trà Vinh khuyến cáo người dân chỉ nuôi TTCT theo mô hình công nghiệp ở những vùng được quy hoạch và đầu tư điện. Vùng nuôi TTCT cần được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là chất lượng con giống đảm bảo, nhằm hạn chế phát sinh mầm bệnh.
>> Kể từ tháng 9/2013 đến nay, điện áp khu vực Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn (tỉnh Cà Mau)…liên tục dao động, chiều hướng giảm. Thống kê của Điện lực Cà Mau, vùng nuôi tôm công nghiệp có độ dao động độ sụt áp 22%, có 445 trạm biến áp quá tải, cháy 59 máy biến áp. |