Ngày 6/5, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản các tỉnh phía Bắc.
Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến khá phức tạp. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã xảy ra tại 83 xã của 18 huyện thuộc 8 tỉnh, thành (tập trung nhiều nhất tại ĐBSCL) với tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh lên tới gần 1.700 ha; trong đó, hầu hết là diện tích nuôi TTCT và tôm sú. So cùng kỳ năm 2013, mặc dù số địa phương có dịch không tăng nhiều, nhưng đáng lo ngại là diện tích tôm bị bệnh hoại tử gan tụy đã tăng gần gấp đôi.
Dịch bệnh trên tôm đang có chiều hướng tăng trên cả nước – Ảnh: Nguyễn Hoàng Trong
Ngoài ra, dịch bệnh đốm trắng trên tôm cũng đang diễn biến nghiêm trọng. Bốn tháng đầu năm, dịch đã xảy ra tại 129 xã của 40 huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố trên cả nước khiến gần 5.500 ha tôm bị bệnh; trong đó, TTCT chiếm hơn 3.600 ha và tôm sú hơn 1.600 ha, gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm trước và gấp 6 lần so năm 2012. Không chỉ xảy ra tại các vùng nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL, bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng cũng đang bắt đầu lan ra các tỉnh phía Bắc. Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, ngày 27/4 vừa qua, bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại các đầm tôm thuộc vùng nuôi tôm tập trung xã Thạch Bàn (huyện Thạch Hà). Thống kê của Cục Thú y cho thấy, có tới gần 85% diện tích tôm bị bệnh hoại tử gan tụy tính tới thời điểm này là TCTT; Tỷ lệ này đối với bệnh đốm trắng cũng khoảng 70% đối với TTCT và 30% với tôm sú.
Nguyên nhân được cho là, trong thời gian qua đã có tình trạng nông dân tại nhiều địa phương nóng lòng xuống giống sớm, thực hiện xử lý ao nuôi vội vàng. Bên cạnh việc mở rộng diện tích TTCT ào ạt, thì đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm bùng lên ngay đầu vụ nuôi. Dự báo, dịch bệnh trên tôm sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa trong thời gian tới khi bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu, các địa phương tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh tại các tuyến cơ sở, tổ chức giám sát phát hiện kịp thời để xử lý triệt để. Theo đó, các địa phương cần tập trung chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản đảm bảo chăn nuôi bền vững. Trong đó, cần tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch khác như tuân thủ các quy định về con giống; thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng gia cầm; khuyến cáo áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực chăn nuôi…