Ngày 29/4/2014, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/6/2014.
Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, quy hoạch nuôi, chế biến cá tra phải phát huy lợi thế và tiềm năng của các địa phương, phù hợp với khả năng tiêu thụ cá tra trên thị trường trong và ngoài nước; Cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương chứng nhận, cấp mã số nhận diện; Sử dụng giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất theo quy định của pháp luật; Đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam…
Ảnh: Duy Khương
Ngoài ra, cơ sở chế biến cá tra phải nằm trong quy hoạch nuôi, chế biến cá tra được UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận và phải áp dụng các biện pháp phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra chế biến; Đối với cơ sở chế biến mới xây dựng, phải được Bộ NN&PTNT kiểm tra, công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trước khi hoạt động…
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra phải đảm bảo các điều kiện: Có cơ sở chế biến cá tra đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này. Trường hợp thương nhân không có cơ sở chế biến thì phải có hợp đồng gia công hoặc hợp đồng mua bán sản phẩm tại cơ sở chế biến đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định này; Phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận.