Hiện nay, một số hộ dân tại tỉnh Đồng Tháp tiến hành đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) trên đất ruộng, mặc dù đây là vùng nước ngọt, bất chấp cảnh báo của chuyên gia và ngành chức năng về hiểm họa tiềm ẩn.
Làm liều
Vừa qua, gia đình bà Lâm Thị Thu (ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông) thả nuôi hơn 3 triệu con giống TTCT trên diện tích ao 3 ha. Đây vốn là đất ruộng trồng lúa và nuôi tôm càng xanh. Để nuôi được TTCT, nhà bà Thu phải khoan giếng lấy nước mặn ngầm; rải muối để nước ao đạt độ mặn phù hợp. Sau bà Thu, một số hộ dân cùng xã đã làm theo, chuyển từ nuôi tôm càng xanh sang TTCT.
TTCT mang lại nhiều lợi nhuận song cũng không ít rủi ro – Ảnh: Nguyễn Hoàng Trong
Ông Huỳnh Văn Đỡ, Trưởng ấp Phú Bình, cho biết: Trước đây trong ấp có 33 ha nuôi tôm càng xanh. Một số hộ dân có lãi khá; nhưng cũng có hộ thua lỗ do tôm bị bệnh, chậm lớn… Hơn một tháng nay, một số hộ chuyển sang nuôi TTCT bằng cách rải muối, khoan giếng lấy nước mặn ngầm. Chưa biết lợi hại ra sao mà vẫn làm.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Nông, cho biết: Nông dân nuôi TTCT trong vùng nước ngọt chỉ mới tự phát thời gian gần đây ở thị trấn Tam Nông, xã Phú Thanh B, với diện tích khoảng 20 ha, chủ yếu trên diện tích ao nuôi cá tra giống, tôm càng xanh. Cơ quan nông nghiệp tỉnh đã báo cáo và Tổng cục Thủy sản đã có văn bản trả lời, nghiêm cấm nuôi TTCT ở vùng nước ngọt.
Bất chấp nguy cơ
Mặc dù thời gian đầu, TTCT thể hiện được một số đặc tính vượt trội khi nuôi tại vùng nước ngọt. Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, khuyến cáo: Trong những năm qua, TTCT phát triển mạnh ở khu vực ven biển miền Trung và gần đây ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tỉnh Đồng Tháp không có nguồn nước lợ tự nhiên nhưng một số hộ nông dân đã tự phát nuôi thử, sử dụng nguồn nước ngầm tự nhiên thay cho nước lợ, kết hợp với một số biện pháp xử lý đáy ao bằng muối. Tuy một số hộ đạt kết quả bước đầu, nhưng nếu nhân rộng diện tích ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy: biến đổi môi trường sinh thái, đất bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: So với tôm càng xanh thì TTCTcó nhiều ưu thế hơn (như: vụ nuôi ngắn, không tốn nhiều thức ăn, tính thích nghi cao). Điều hấp dẫn người nuôi chính là hiệu quả kinh tế quá cao so với nuôi loài thủy sản khác. Tuy vậy, về lâu dài, nguy cơ loài tôm này sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa và nuôi tôm càng xanh của tỉnh; đồng thời, đất nhiễm mặn nên sẽ phải mất nhiều năm rửa mặn mới trở về như cũ. Mặt khác, nuôi TTCT rủi ro cao, nhất là khi giá thấp hoặc phát sinh dịch bệnh. Do đó, tỉnh cấm nuôi TTCT trong vùng quy hoạch tôm càng xanh, đồng thời cấm khoan giếng lấy nước ngầm nuôi tôm.
Việc nuôi TTCT ở vùng nước ngọt nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu họa và tạo tiền lệ xấu cho việc quản lý giống vật nuôi. Sở NN&PTNT Đồng Tháp và chính quyền địa phương đang xúc tiến các giải pháp xử lý, quản lý vùng sản xuất nông nghiệp, không để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá vỡ quy hoạch ở địa phương.