Chung sức, đồng lòng hướng về Biển Đông

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, điều hơn 80 tàu bảo vệ các loại, kể cả tàu chiến và máy bay, tàu săn ngầm, tấn công ngư dân và ra sức ngăn cản lực lượng chấp pháp của Việt Nam, đã khiến cả thế giới lên tiếng tố cáo, người Việt Nam trong và ngoài nước hết sức phẫn nộ.

Việt Nam – triệu người như một

Ngay sau khi Cục Hải sự Trung Quốc có thông báo vô lý trên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng  định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối”.

Sáng 11/5, tại các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã diễn ra các cuộc tuần hành mít tinh phản đối Trung Quốc. Các cuộc tuần hành diễn ra trong không khí ôn hòa, trật tự với lượng người tham gia ngày một đông, từ người lớn tuổi đến các em nhỏ, từ sinh viên học sinh đến công nhân, trí thức… Tại Huế, thay mặt nhóm mít tinh, PGS.TS Bửu Nam đọc bản tuyên bố của các nhân sĩ trí thức, nêu rõ: Cực lực lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm trắng trợn hải phận của Việt Nam, trước dư luận quốc tế và trước quốc dân đồng bào; Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi hải phận của Việt Nam; Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi thuộc về Tổ quốc thiêng liêng của Việt Nam.

Trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn quyết tâm bám biển – Ảnh: Xuân Trường

 

Quốc tế ủng hộ

Ngay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo về tình hình phức tạp ở Biển Đông, nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố DOC; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đều nhấn mạnh, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, ASEAN cần phải kịp thời thể hiện lập trường chung của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng.

Nhận định về tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây hấn, GS Lý Minh Giang, chuyên gia về an ninh Đông Á thuộc Học viện Nghiên cứu quốc tế ở Singapore cho biết, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy thái độ các nước trong khu vực đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn và đây là điều mà dường như Bắc Kinh không lường được. Hầu như chắc chắn là Trung Quốc không tính đến việc Việt Nam có thể đưa tất cả tàu bè của mình ra nhằm buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan đi.

Ông Dmitry Mosyakov, chuyên viên cấp cao Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) cho rằng: Hành động của Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng tình hình, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch đã tuyên bố về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.

 

Tinh thần ngư dân càng cao

Trước hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc, ngày 10/5/2014, Hội Nghề cá Việt Nam ra tuyên bố phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay và rút hết giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực này vô điều kiện và cùng với phía Việt Nam đàm phán xử lý bất đồng, chấm dứt các hành động tương tự. Hội Nghề cá Việt Nam, ngư dân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam luôn mong muốn duy trì phát triển hòa bình và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lợi ích cơ bản, lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Ông Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Minh, thay mặt hàng trăm ngư dân ven biển Quảng Nam kịch liệt phản đối hành động vi phạm của Trung Quốc. Đề nghị phía Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu thuyền ra khỏi khu vực lãnh hải Việt Nam, dừng ngay hành động khiêu khích gây cản trở ngư trường làm ăn của ngư dân.

Ngư dân Nguyễn Tấn Hải (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) quả quyết: Chúng tôi sẽ bám sát ngư trường Hoàng Sa, tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản và bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyết tâm không lùi bước trước sự gây hấn, ngang ngược của Trung Quốc.

Còn tại Quảng Ngãi, sáng 9/5, tại huyện đảo Lý Sơn, Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải và An Vĩnh đã họp các đoàn viên để phản đối hành động xâm phạm chủ quyền và đặt giàn khoan HD-981 của Trung Quốc tại khu vực đảo Tri Tôn quần đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, kêu gọi: “Bà con ngư dân hãy phát huy tinh thần yêu nước, nối gót đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa. Tiếp tục bám ngư trường Hoàng Sa, cùng ngư dân cả nước bảo vệ chủ quyền của Việt Nam!”.

>> Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam luôn mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song Việt Nam cũng kiên quyết phản đối các hành động vi phạm, và bằng các biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của mình (Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, ngày 11/5/2014).

Thu Hồng - Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!