Tiêu chuẩn ASC cho tôm vừa được hoàn thành, đánh dấu một bước ngoặt lớn, mở ra giai đoạn mới đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản tôm bền vững hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng ASC chắc chắn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, người nuôi tôm Việt Nam gặp khó cả về kỹ thuật lẫn chi phí đầu tư.
Vì ngành tôm bền vững
Cuối tháng 3/2014, Chương trình “Đối thoại nuôi tôm” đã bàn giao tiêu chuẩn tôm cho Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) sau 7 năm phát triển.
Chris Ninnes, Tổng Giám đốc ASC đánh giá cao những cá nhân, tổ chức của Chương trình đối thoại đã làm việc không biết mệt mỏi. “Đây là thành công lớn trong việc tập hợp những quan điểm, chuyên môn khác nhau thành một tài liệu quan trọng. Tôi đánh giá cao các trại nuôi tôm đã quan tâm đến chứng nhận ASC. Hy vọng họ sẽ tham gia vào chương trình và cam kết cải thiện đáng kể tính bền vững trong hoạt động của mình”, Chris Ninnes cho biết thêm.
Còn Jason Clay, Phó Chủ tịch cao cấp về chuyển đổi thị trường của Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhận định: “Những tiêu chuẩn này là một bước đột phá đối với sản xuất tôm bền vững. Tôm là loài thủy sản có giá trị giao dịch lớn nhất trên thế giới hiện nay, trong đó ngành tôm nuôi tăng trưởng trung bình 10%/năm. Những tiêu chuẩn này đảm bảo sự tăng tưởng bền vững, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, người tiêu dùng và môi trường. Hiện nay, chúng ta đã đi một bước dài để đưa tôm bền vững đến gần hơn các cửa hàng thủy sản trên toàn thế giới”.
Chế biến tôm tại Công ty Quốc Việt – Ảnh: Huỳnh Lâm
Doanh nghiệp đã quan tâm
Tiêu chuẩn ASC dựa trên 7 nguyên tắc chính, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của trại nuôi đối với môi trường và xã hội. Đó là: xây dựng và vận hành trang trại tuân theo khung luật pháp của chính quyền trung ương và địa phương; xây dựng và vận hành trang trại trên cơ sở bảo tồn tính da dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên; xây dựng và vận hành trang trại dựa trên đánh giá tác động đối với cộng đồng xung quanh; vận hành trại nuôi với thực hành lao động có trách nhiệm; quản lý sức khỏe tôm có trách nhiệm; quản lý nguồn gốc của tôm bố mẹ và tôm giống; và sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả và có trách nhiệm.
Gần đây, đã có doanh nghiệp quan tâm đến ASC cho tôm, như Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt, và đang hy vọng trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận ASC cho tôm khi đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất.
Việc áp dụng tiêu chuẩn ASC không chỉ góp phần quan trọng phát triển bền vững cho con tôm mà còn liên quan sự sống còn của doanh nghiệp, người nuôi tôm quy mô nhỏ; đồng thời, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh con tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chắc chắn trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp và người nuôi tôm Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn cả về kỹ thuật lẫn chi phí đầu tư, tương tự như việc áp dụng ASC cho cá tra.
>> Thông qua Chứng nhận ASC, các trại nuôi tôm hướng đến giảm thiểu thành công những tác động có hại đến môi trường và cộng đồng địa phương bằng việc bảo tồn đất và rừng ngập mặn; giải quyết nạn lây truyền virus và giảm thiểu các loại mầm bệnh; giải quyết các vấn đề về đa dạng sinh học… |