Nhằm tránh những rủi ro, thiệt hại, ngay từ đầu bà con phải đảm bảo các điều kiện về ao nuôi để cho tôm phát triển, đồng thời làm tốt công tác tuyển chọn con giống, tránh tình trạng cải tạo sơ sài, chọn giống không có nguồn gốc, không được kiểm dịch để đưa vào nuôi thả làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi.
Năm 2011, được nhận định là năm điều kiện thời tiến có nhiều diễn biến bất thường do ảnh hưởng của hiện tượng La-Nina và biến đổi khí hậu. Đầu năm, đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã gây chết nhiều đối tượng nuôi như cá vược, song, bớp… làm cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài ra, do cá chết không thu được triệt để đã phân hủy làm cho môi trường ao, đầm bị ô nhiễm.
Vùng nuôi trồng thủy hải sản ven biển huyện Thái Thụy
Qua thực tế cho thấy yếu tố môi trường ao nuôi và chất lượng con giống trong nuôi tôm là rất quan trọng. Chính vì vậy để nuôi tôm sú hiệu quả cao thì ngay từ giai đoạn ban đầu trước khi thả giống, bà con cần làm tốt một số khâu kỹ thuật như sau:
1. Việc chuẩn bị ao, đầm trước khi thả giống là rất cần thiết vì nếu tạo được môi trường ổn định, không có mầm bệnh trong ao, mỗi khi thời tiết thay đổi mới tránh cho tôm không bị nhiễm bệnh. Tôm sú là loài sống bám đáy, vì vậy môi trường đáy ao có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm. Sau mỗi vụ nuôi tôm dưới đáy ao thường tích tụ những lớp chất thải, bùn đáy nhiễm bẩn. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn có hại phát triển, tạo ra các loại khí độc như NH3, H2S… gây hại cho tôm nuôi.
Do đó bà con cần tháo cạn hoặc bơm để vét lớp bùn đáy, chất thải, kết hợp bón vôi nông nghiệp với liều lượng 25-35kg/sào ao, sau đó cày bừa để làm khoáng hóa đáy ao và nâng cao PH lớp đáy. Nếu có thể được, nên phơi đáy ao từ 3-5 ngày. Cần lưu ý những nơi có bùn loãng có màu đen, thối cần tăng lượng vôi bón.
Sau khi ao được cải tạo chu đáo, tiến hành lấy nước vào và gây màu. Để tạo được màu ao nuôi, tốt nhất bà con nên dùng các loại phân như: hỗ hợp đạm – lân với tỷ lệ 2:1, urê 0,5-0,7kg/sào; NPK (3:5:1) 0,7-1,0kg/sào, hòa nước tạt đều khắp ao; hoặc có thể dùng phân gây tảo có bán tại các đại lý, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Nếu dùng phân hữu cơ (phân chuồng – phân trâu bò) lượng dùng từ 15-20kg/sào, phân phải được ủ kỹ với 5% vôi trong thời gian 30 ngày trước khi bón. Thông thường gây màu nước nên dùng phân vô cơ trước để tảo phát triển nhanh (màu nước), sau đó dùng phân hữu cơ để duy trì sự phát triển lâu bền của màu nước.
2. Lựa chọn được con giống tốt cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành bại của cả một vụ nuôi. Chính vì vậy việc đầu tiên bà con nên chọn những cơ sở sản xuất giống có uy tín trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, con giống phải rõ nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt phải được kiểm dịch kỹ trước khi thả xuống đầm nuôi.
Tiêu chuẩn chọn con giống trước hết dựa vào kích thước tôm phải đều. Trong nguồn tôm có nhiều con có kích thước khác nhau. Đây có thể không phải là nguồn một con tôm mẹ mà có thể có nhiều con tôm mẹ khác nhau hoặc thời gian nở cũng có thể khác nhau. Hoặc có thể kỹ thuật người nuôi không tốt. Nếu kích thước khác nhau thì rất bất lợi trong việc quản lý cho tôm ăn, nó sẽ cạnh tranh thức ăn của nhau. Tiêu chuẩn để có đàn tôm giống tốt phải có độ đồng đều, dài 12mm. Những con có kích thước nhỏ hơn chiếm tỷ lệ không quá 5% trong tổng số tôm giống.
Tôm giống có màu sắc đen tro là tốt nhất. Không nên sử dụng những loại tôm có nhiều màu hoặc tôm có màu trắng bợt. Đó là loại tôm đã rất yếu, nếu chăm sóc không tốt, dễ bị chết. Các bộ phận khác như chân, râu phải hoàn chỉnh và không dị hình. Khi bơi, chân đuôi phải xòe ra hết cỡ đó là loại tôm giống khỏe. Thịt phần bụng phải đầy đặn, căng và chắc, ngoài vỏ phải nhẵn và bóng là loại tôm khỏe.
Trên thân tôm sú có 6 đốt ở phần bụng, các đốt bụng dài. Kinh nghiệm cho thấy, những con tôm có đốt bụng càng dài thì nhanh lớn hơn những con tôm có đốt bụng ngắn. Vị trí râu thứ nhất (sau này sẽ là đôi râu dài nhất) có hình chữ V khi bơi, hai gốc của râu nằm sát nhau. Vỏ tôm bóng, không bị dị màu sắc. Nếu bị dị hình hay dị màu sắc là do tôm bị vi nấm hoặc vi khuẩn bám vào.
Nếu bị vi nấm, cách xác định đơn giản là lấy 10 con tôm ngẫu nhiên trong đàn tôm giống đem thả vào ly thủy tinh có đựng nước sạch và trong. Quan sát kỹ thấy có trên 3 con bị vật lạ vi nấm bám vào là không nên dùng, vì sau này chúng không lột được vỏ, sẽ bị chết.
Bình thường nếu tôm khỏe, có khả năng bơi ngược dòng nước chảy hoặc nếu nước chảy xiết thì có thể bám vào các vật thể để tránh bị trôi đi. Lấy 200 con ngẫu nhiên trong đàn tôm rồi thả vào chậu đựng nước trong. Sau đó, dùng tay khuấy tròn quanh thành chậu. Nếu thấy trên 10 con trôi theo dòng nước hoặc bị cuốn ở giữa đáy chậu đó là tôm yếu.
Ngoài ra bà con có thể đánh giá sức khỏe của tôm giống bằng phương pháp gây sốc Formol nồng độ 2-2,5ml/10 lít trong 30 phút. Nếu tỷ lệ tôm chết không quá 5% là đàn tôm tốt. Hoặc bằng cách hạ độ mặn đột ngột, lấy 100-150 con tôm P15 cho vào bình chứa 1 lít nước bể ương. Nếu nước trong bể ương tôm có độ mặn trên 20%o cho thêm nước ngọt vào làm cho giảm độ mặn đột ngột xuống một nửa (tức là cho một lít nước trong bể ương tôm và 1 lít nước ngọt). Nếu độ mặn thấp hơn 15%o có thể cho tôm vào thẳng trong môi trường nước ngọt. Sau 2 giờ quan sát nếu tỷ lệ tôm chết dưới 5% là đàn tôm tốt. Đặc biệt lưu ý, tôm giống phải được kiểm tra của cơ quan chức năng về các bệnh ký sinh trùng, MBV…
3. Về mùa vụ thả nuôi, bà con nên thả sau tiết Thanh minh (mồng 3 tháng 3 âm lịch) từ 15 đến 25 ngày. Tùy theo điều kiện ao đầm, kinh nghiệm và khả năng về tài chính. Nếu nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến thì mật độ thả từ 3-5 con/m2 đối với đầm ngoài đê và từ 7-10 con/m2 (cỡ P15) đối với vùng chuyển đổi trong đê Quốc gia. Nuôi bán thâm canh, thâm canh, mật độ từ 15-20 con/m2.
4. Trong 1-2 tháng đầu, cần chăm sóc cho ăn chu đáo để tôm khỏe mạnh; giữ vững cho môi trường ao nuôi luôn luôn ổn định, thường xuyên bón phân gây màu nước ao để có độ trong từ 30-35cm, màu nước ao nuôi tốt nhất là màu nâu nhạt hoặc xanh lá chuối non, đặc biệt không để cho hiện tượng mất màu nước, tảo tàn. Trường hợp tảo bị tàn, cần xử lý ngay bằng cách dùng Zeolit hoặc chế phẩm sinh học để hạn chế tôm chết.
Nguyễn Đức Phụng
(TT Khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư tỉnh)