Với diện tích đường bờ biển lớn, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng nuôi biển, tuy nhiên đến nay, việc phát triển nghề này gặp rất nhiều khó khăn.
Tiềm năng lớn…
Nhiều tỉnh ven biển nước ta có điều kiện thuận lợi về địa hình (diện tích, độ sâu, dòng chảy, kín sóng gió nhờ nhiều đảo và bán đảo che chắn…) để phát triển nuôi cá biển bằng lồng nhỏ, đơn giản, đầu tư thấp, đặt rải rác trong vũng vịnh, cửa sông có độ sâu >5 m khi thủy triều thấp nhất.
Các vùng bãi bồi ở cửa sông thuộc ĐBSH và ĐBSCL có độ mặn và nguồn thức ăn phù hợp nuôi nhuyễn thể bãi triều. Hơn nữa, chúng ta đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm hầu hết các đối tượng cá biển (như cá song, giò, hồng mỹ, vược…); các đối tượng nhuyễn thể (như tu hài, hàu, ốc hương, nghêu…). Bên cạnh việc sử dụng lồng gỗ truyền thống, công nghệ nuôi sử dụng lồng tròn với vật liệu HPPE có khả năng chịu sóng gió cũng đã phát triển. Ngoài ra, nguồn nhân lực dồi dào, có kinh nghiệm thuận lợi cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách, định hướng phát triển ngành nuôi biển thông qua các chiến lược và quy hoạch đã đảm bảo hành lang pháp lý cho phát triển nuôi biển.
Việt Nam có nhiều tiềm năng nuôi biển
Về thị trường tiêu thụ, theo số liệu của FAO lượng sản phẩm thủy sản tiêu thụ bình quân đầu người khá cao; trong đó, lượng đạm thủy sản nạp vào cơ thể ở quy mô thế giới chỉ bằng 15,8% lượng đạm động vật, con số này ở Việt Nam 30,1% – gần gấp đôi mức thế giới. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản đa dạng; đặc biệt, Việt Nam gần nhiều thị trường tiêu thụ thủy sản lớn (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…).
… nhưng thách thức nhiều
Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển nuôi biển, nhưng đến nay sự phát triển của nuôi biển ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu và tự phát là chính. Theo số liệu thống kê, tỷ trọng sản lượng nuôi cá biển chỉ chiếm 1,19%, nhuyễn thể 19,48%, rong biển 2,78%, các đối tượng hải sản khác 6,35%. Cùng đó, tỷ trọng sản lượng nuôi biển thấp hơn nhiều so với nuôi tôm mặn lợ. Điều này cho thấy, sự phát triển nuôi cá biển chủ yếu đang ở giai đoạn định hình, xét trên các góc độ quy hoạch phát triển, công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm, sản xuất thức ăn, kỹ nghệ, dịch vụ hỗ trợ (lồng lưới, thuyền bè, sơ chế bảo quản sau thu hoạch) và định hướng thị trường
Trong tương lai, nghề nuôi biển nước ta còn đối diện với nhiều thách thức và rủi ro về con giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ, suy giảm môi trường, biến đối khí hậu và sự xung đột lợi ích với ngành khác. Việc sản xuất con giống ở quy mô nhỏ lẻ trong khi còn phụ thuộc nguồn nhập khẩu tiểu ngạch sẽ dẫn tới sự thiếu hụt con giống cả về số và chất lượng, cũng như không đáp ứng được yêu cầu mùa vụ. Thức ăn cho đối tượng nuôi biển không thể phụ thuộc mãi vào nguồn cá tạp, trong khi thức ăn công nghiệp chưa được phát triển đúng mức. Theo Tổng cục Thủy sản, có tới 80% thức ăn thủy sản từ nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển cũng đang là thách thức cho phát triển bền vững nghề nuôi biển. Hiện, sản phẩm nuôi trồng thường ở dạng tươi sống và chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, một ít bán cho khách du lịch qua các nhà hàng, đầu mối và chợ địa phương. Các nhà máy chế biến trong nước hầu như không tham gia mắt xích tiêu thụ sản phẩm nuôi biển. Ngoài ra, mâu thuẫn trong sử dụng mặt nước giữa nuôi thủy sản và các ngành kinh tế khác (như du lịch, vận tải biển, phát triển khu công nghiệp) sẽ càng gay gắt. Thực tiễn cho thấy, việc quy hoạch phát triển du lịch ở các vùng ven biển (như Cửa Lò, vịnh Hạ Long) hoặc phát triển khu công nghiệp (như Nghi Sơn hoặc Vân Phong) đã buộc các lồng bè phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc phải di dời tìm địa điểm mới. Hơn nữa, bùng phát dịch bệnh và môi trường bị biến đổi theo chiều hướng xấu do phát triển nuôi biển tự phát, thiếu hoặc không thực hiện quy hoạch. Nhiều vùng nuôi hiện nay có dấu hiệu ô nhiễm nặng (như khu vực Bến Bèo, huyện Cát Bà, Hải Phòng), do độ sâu và tốc độ dòng chảy thấp, mật độ các lồng nuôi quá cao, chất thải sinh hoạt, chất thải từ chính các hoạt động nuôi quá lớn.
Đặc biệt, những tác động mạnh của biến đổi khí hậu và dâng cao mực nước biển sẽ có những tác động đến nghề này trong tương lai. Nước biển dâng và nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng không chỉ tới công trình nuôi biển như lồng bè, bãi triều nuôi nghêu mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe động vật nuôi, môi trường nuôi, dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Hơn nữa, sự thay đổi tần suất, cường độ bão và áp suất nhiệt đới do biến đổi khí hậu có thể sẽ phá vỡ hệ thống đê bao, lồng bè nuôi biển và làm thay đổi môi trường sinh thái vùng nuôi, trong khi lượng mưa tăng có thể gây lũ lụt phá hủy công trình nuôi hoặc giảm độ mặn ở vùng nuôi ven biển và cửa sông.
“Báo cáo phát triển kinh tế biển Việt Nam” của CIEM – Trung tâm Thông tin – Tư liệu thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, nghề nuôi biển nước ta hiện nay mới tập trung vào một số công ty, xí nghiệp liên doanh và các hộ có vốn lớn, sản xuất mang tính tự phát ở một số vùng ven biển; Còn đại bộ phận người dân ven biển chưa có sự hiểu biết và điều kiện tham gia nuôi trồng hải sản trên biển. Việc sử dụng diện tích mặt nước biển để nuôi hải sản chưa đáng kể; việc giao, cho thuê mặt nước biển còn nhiều bất cập; sản lượng nuôi chưa nhiều; giống loài thủy sản tham gia sản xuất còn ít; giá trị kim ngạch xuất khẩu so với tiềm năng còn thấp. Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì đáng kể để phục vụ yêu cầu sản xuất, đã làm hạn chế phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo…
>> Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển nuôi biển, nhưng đến nay sự phát triển của nuôi biển ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu và tự phát là chính. Theo số liệu thống kê, tỷ trọng sản lượng nuôi cá biển chỉ chiếm 1,19%, nhuyễn thể 19,48%, rong biển 2,78%, các đối tượng hải sản khác 6,35%. |