Nghị định nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, số 36/NĐ-CP, được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/4/2014, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có báo cáo cho rằng “đa số các công ty đều tỏ ra thất vọng và phản đối một số nội dung”. Trong lúc, lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam tin tưởng.
VASEP “phản đối”
Điều 7, khoản 2: “Đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam…”. VASEP đặt ra nhiều câu hỏi: Mục đích của việc đăng ký này là gì? Hiệp hội Cá tra Việt Nam có quyền xác nhận điều gì? Hiệp hội Cá tra Việt Nam có thể khả năng đảm nhiệm kiểm soát các đơn hàng không? Hiệp hội Cá tra Việt Nam không phải là cơ quan chức năng, như vậy ai đảm bảo thông tin giao dịch và kinh doanh cho các doanh nghiệp. Nếu có tổn thất vì vi phạm hợp đồng như điều khoản “không để thông tin cho bên thứ ba biết” thì ai sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường, vì theo luật thương mại thì chỉ có thể cung cấp cho cơ quan thuế và hải quan thôi?
Điều 8, khoản 3, điểm a: “Giấy đăng ký hợp đồng sản phẩm cá tra” với Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP băn khoăn: Khi đăng ký thì doanh nghiệp phải đăng ký từng lô hay đăng ký theo hợp đồng (có thể hợp đồng cho vài năm hoặc cho nhiều lô hàng). Cũng Điều 8, khoản 4, điểm b quy định: “Hợp đồng có giá mua cá tra nguyên liệu cao hơn hoặc bằng giá sàn cá tra nguyên liệu do Hiệp hội Cá tra Việt Nam công bố”, nhưng theo VASEP: Nếu hàng tồn kho thì có thể áp dụng giá mua nguyên liệu hiện tại hay không?
Ảnh: Ngọc Trinh
Điều 12, khoản 1, điểm b: “Hiệp hội Cá tra Việt Nam căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính về phương pháp tính giá thành cá tra nguyên liệu, ít nhất mỗi năm 2 lần công bố giá sàn cá tra nguyên liệu và kịp điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường”. VASEP băn khoăn: Giá nguyên liệu cá tra thay đổi liên tục nên giá sàn có thể không cập nhật kịp. Giá thành cá nguyên liệu phụ thuộc rất nhiều vào giá thức ăn thủy sản, nên đề xuất Chính phủ phải có những quy định quản lý giá, tiêu chuẩn cho thức ăn thủy sản và con giống trong nghị định này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.
Hiệp hội Cá tra “tin tưởng”
Trước ý kiến của VASEP, ông Hồ Văn Vàng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, đã trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Nguyễn Việt Thắng, thống nhất trả lời với Tạp chí Thủy sản Việt Nam như sau.
Điều 7, khoản 2 về “Đăng ký hợp đồng xuất khẩu…”, ông Hồ Văn Vàng cho rằng: Thời gian vừa qua ngành cá tra sản xuất tự phát nên gặp nhiều khó khăn. Một ngành hàng xuất khẩu trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, nguyên liệu độc quyền 98% vậy mà các nhà xuất khẩu do cạnh tranh không lành mạnh, chào bán dưới giá sàn sản xuất rồi về ép giá người nông dân mua cá nguyên liệu dưới giá sàn sản xuất từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg, làm cho người nuôi cá tra nghèo khổ phá sản, cả ngành hàng cá tra phá sản. “Do vậy, ngành hàng cá tra cần có một sự quản lý và điều phối hiệu quả để khắc phục. Nên Chính phủ đã giao cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam điều phối các hoạt động sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra đảm bảo tính minh bạch, khách quan vì lợi ích chính cho ngành hàng cá tra”.
Điều 8, khoản 3, điểm a, trước băn khoăn của VASEP, ông Hồ Văn Vàng trả lời: “Phải đăng ký từng lô vì còn phải truy xuất nguồn gốc cá tra nguyên liệu”. Về giá sàn cá tra nguyên liệu, ông nói: “Nếu hàng tồn kho thì không áp dụng nhưng phải có thời gian quy định trong điều khoản chuyển tiếp”.
Điều 12, khoản 1, điểm b, ông Hồ Văn Vàng khẳng định: “Việc giá cá tra thay đổi liên tục là do trước đây sản xuất tự phát, nay Nghị định 36 của Chính phủ được ban hành thì sản xuất sẽ đi vào nề nếp, nên giá cả sẽ ổn định”.
>> Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có 136 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong đó 64 công ty chế biến và 72 công ty thương mại. Hiện, có 25 doanh nghiệp xuất cá tra vào Mỹ phải chịu mức thuế chống bán phá giá đến 1,2 USD/kg, trong đó những doanh nghiệp không nộp đơn xin xem xét thì chịu mức thuế 2,11 USD/kg. |