Trước khi tiến hành nuôi cá bống tượng, ông Nguyễn Văn Phin (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) đã chủ động bố trí nguồn thức ăn bằng cách nuôi cá con làm mồi thay cho việc phải mua thức ăn hàng ngày.
Theo ông Phin, chủ động ươm cá mồi làm thức ăn cho cá bống tượng đảm bảo nguồn thức ăn sẵn có, vừa đảm bảo chất lượng nguồn nước, hạn chế mầm bệnh do cá mua từ nơi khác mang về. Do có nguồn thức ăn là cá tươi sống nên cá bống tượng lớn nhanh, khoảng 14 – 18 tháng có thể thu hoạch được, với tỷ lệ sống 50%…
Với ao nuôi 1.000 m2, ông bắt đầu bằng việc cải tạo ao và thả nuôi 500.000 con cá bột, chọn loại cá trắm (cá trôi) vì cá này rẻ tiền, dễ ươm nuôi. Sau khi ươm cá mồi được 20 ngày thì thả cá bống tượng giống vào, kích cỡ cá bống tượng giống 0,5 g/con, mật độ thả 2.000 con/1.000 m2. Hàng ngày dùng cám mịn làm nguồn thức ăn cho bầy cá trôi, khẩu phần ăn nên hạn chế, không để cá trôi phát triển quá nhanh, cá bống tượng lớn chậm sẽ khó bắt mồi. Lượng cá trôi như trên đủ làm mồi trong khoảng 5 – 6 tháng cho 2.000 con bống tượng. Canh thời gian sắp hết mồi cho cá bống tượng để chuẩn bị ao kế bên ươm cá con nhằm duy trì nguồn thức ăn xuyên suốt cho cá bống tượng. Sau 14 – 18 tháng nuôi, ao 1.000 m2 sẽ cho thu hoạch khoảng 400 kg cá.
Ông Phin cho biết, ngoài việc ươm cá trôi làm mồi cho cá bống tượng, có thể ươm cá điêu hồng, cá sặt… để làm mồi. Cá bống tượng chịu được hàm lượng oxy thấp nhưng cũng phải quản lý môi trường ao nuôi tốt. Để cá ăn mạnh và mau lớn nên giữ môi trường nước ao nuôi có màu xanh vỏ đậu, độ trong 30 cm, định kỳ một tuần thay nước một lần, mỗi lần thay 30 – 50% lượng nước trong ao. Tạt vôi nông nghiệp (CaCO3) định kỳ 2 lần/tháng, liều lượng là 2 kg/100 m3 nước ngăn ngừa dịch bệnh.
KIỆN BÌNH