Tôm càng xanh là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực sau cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều khó khăn để đối tượng này phát huy hết tiềm năng.
Việt Nam là một trong trong những nước nuôi tôm càng xanh (TCX) lớn trên thế giới (sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan). Vùng nuôi trọng điểm là ĐBSCL (nhiều nhất ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ). Theo Phân viện Quy hoạch Thủy sản phía Nam (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản), năm 2013, diện tích TCX cả nước khoảng 11.000 ha, sản lượng khoảng 7.000 tấn.
Nhiều thách thức
TCX có nhiều thuận lợi phát triển hơn các đối tượng nuôi thủy sản khác, bởi loài này cần ít vốn đầu tư, ít rủi ro, giá cả khá ổn định; kỹ thuật nuôi đơn giản, có thể áp dụng ở nhiều quy mô (nuôi trong mương vườn, trong ao thâm canh và bán thâm canh, nuôi ghép với cá khác, nuôi trong đăng quầng, nuôi trong ruộng lúa).
Cùng đó, Nhà nước cũng rất quan tâm phát triển loài nuôi này. Trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 nêu rõ, TCX là một trong những đối tượng nuôi chủ lực ở ĐBSCL, bên cạnh các đối tượng nuôi khác như: tôm sú, cá tra, basa, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, nhuyễn thể…
Có thể nói, nghề nuôi TCX đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nuôi ở ĐBSCL, song hiện còn nhiều khó khăn, như: chất lượng con giống chưa đảm bảo; các vấn đề nghiên cứu cơ bản, như dinh dưỡng, thức ăn chuyên biệt, hệ thống nuôi, tương tác trong loài tại địa phương (giữa tôm đực cành xanh, càng cam, tôm đực nhỏ và tôm cái) ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi ra sao còn chưa được tìm hiểu thấu đáo; đầu ra cho sản phẩm vẫn gian nan; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập…
Niềm vui mùa thu hoạch – Ảnh: Phan Thanh Cường
Ông Trần Hoài Giang, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch Thủy sản phía Nam chia sẻ: “Đã có chủ trương phát triển TCX và hiện trạng phát triển khá nhiều ở các tỉnh ĐBSCL; nhưng công tác quy hoạch phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế, dẫn đến nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ phục vụ nghề nuôi còn nhiều bất cập”.
Để TCX rộng đường
Hướng đến việc tạo ra giống TCX tốt, gia tăng năng suất vụ nuôi, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 đang thực hiện song song hai chương trình: Một là, chọn giống TCX dài hạn nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng (bắt đầu từ năm 2010) và tăng tỷ lệ sống của tôm (bắt đầu năm 2014); Hai là, nghiên cứu sản xuất đại trà tôm toàn đực (bắt đầu từ năm 2005, trước đây sử dụng kỹ thuật vi phẫu, sau này bổ sung kỹ thuật tiêm sợi đôi iRNA cho tôm hậu ấu trùng 10 – 25 ngày tuổi).
Tuy nhiên, theo ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, để nghề nuôi TCX phát triển bền vững thì Bộ NN&PTNT cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực tiễn sản xuất của từng tỉnh; hỗ trợ các tỉnh trong việc xây dựng trại giống, chuyển giao quy trình công nghệ tiên tiến về sản xuất giống, gia hóa lại đàn tôm bố mẹ, nhằm phát triển bền vững đối tượng này ở ĐBSCL; cần có sự phối hợp liên bộ để xây dựng dự báo thị trường tiêu thụ TCX trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các Sở NN&PTNT cần có chính sách khuyến khích, thu hút các đơn vị, cá nhân đầu tư cơ sở sản xuất giống TCX đủ năng lực; cần xây dựng đề án liên kết “bốn nhà”, nhất là mối liên kết giữa doanh nghiệp – nhà nông với mục tiêu phát triển bền vững; đưa ra những khuyến cáo hợp lý về thời vụ nuôi cho người dân, nhằm có kế hoạch cung ứng giống hợp lý, đáp ứng việc thực hiện quy hoạch.
“Ngoài ra, ngành ngân hàng cần sớm có kế hoạch cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các hộ nuôi TCX; có kế hoạch giãn nợ đối với các hộ nuôi bị thua lỗ, để có điều kiện tái sản xuất”, ông Mưu đề nghị.
>> Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến năm 2020 đưa vào nuôi khoảng 28.000 ha TCX, sản lượng khoảng 60.000 tấn; trong đó ĐBSCL 25.950 ha, sản lượng 56.820 tấn. |