Ngày 10/7, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo “Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020”, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Theo dự thảo, đến năm 2020, quy hoạch vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL là 7.260 ha; trong đó tỉnh Đồng Tháp có diện tích lớn nhất 1.700 ha, tiếp đến An Giang 1.430 ha, Cần Thơ 1.100 ha và các địa phương còn lại có diện tích 300 – 850 ha. Nhu cầu con giống chất lượng cho toàn vùng cần khoảng 2,54 tỷ con; sản lượng ước khoảng 1,6 triệu tấn; sản lượng chế biến thành phẩm đạt 750.000 – 800.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 – 3 tỷ USD. Theo đó, điều kiện quy hoạch vùng nuôi cá tra phải có khả năng xử lý và vận chuyển nước cao, không tác động đến dân sinh và môi trường, không tận dụng diện tích mặt nước mà phải vào vùng nuôi tập trung; đặc biệt, đáp ứng được chứng nhận nuôi trồng nuôi thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL – Ảnh: LHV
Đây là một hoạt động trong kế hoạch nhằm tái cấu trúc ngành hàng cá tra, đảm bảo quản lý toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng hiệu quả, phù hợp với thị trường và mang tính bền vững. Theo Tổng cục Thủy sản, hội thảo lần này góp ý, thảo luận cuối cùng trước khi hoàn thiện trình Bộ trưởng phê duyệt (dự kiến vào cuối tháng 7/2014). Sau khi được phê duyệt, các tỉnh, thành phố có vùng nuôi cá tra sẽ căn cứ theo quy hoạch, chỉ đạo việc đánh số ao nuôi và cấp mã số cụ thể, đăng ký sản lượng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về quy hoạch trên địa bàn.