Bánh nậm là món bánh truyền thống lâu đời nhất xứ Huế. Món bánh này đã làm nên tên tuổi làng ẩm thực Nam Phổ, huyện Phú Vang.
Bánh nậm hay bánh nặm, thật khó cắt nghĩa. Tôi hỏi cụ Dư, cụ Thoa đã làm bán bánh nậm 40 – 50 năm ở làng Nam Phổ (làng bánh truyền thống cách TP Huế 3 km), họ cũng chịu. Còn câu hát ru Chiều chiều bánh nậm lên dinh… thì tôi đã nghe cách đây hơn nửa thế kỷ, “lên dinh” là cách nói của người Huế muốn chỉ việc lên kinh thành, giống như “vô nội” là “vào hoàng cung”.
Bánh nậm ngày xưa do những bà nội trợ ở các gia đình nông dân nghèo nghĩ ra. Khi ấy, trong nhà chỉ còn chút gạo, chẳng có tiền đi chợ mua thức ăn. Chả nhẽ cho chồng, con ăn dưa muối, tương cà… mãi. Họ đem cối đá ra xay vài lon gạo thành bột, sú với nước lã, bắc lên bếp giáo thành một thứ bột đặc sền sệt. Làm nhân bánh thì sẵn mớ tôm tép bắt được trong ruộng, đem chiên xào, nhưng vì ít ỏi nên phải bỏ vào cối giã cho nhuyễn, lại bắc lên bếp chấy ra cho nhiều lên. Đến phần lá gói bánh thì sẵn có lá chuối trong vườn, tha hồ cắt vào gói và đem hấp… Thế rồi, chỉ vài lon gạo, mớ tôm tép vặt vãnh, họ làm ra cho cả nhà ăn một thứ bánh rất ngon, rẻ, già trẻ đều thích.
Cái bánh nậm nhỏ xíu hình chữ nhật
Từ đó, các gia đình trong làng Nam Phổ bắt chước nhau làm bánh nậm; ban đầu là nhà nghèo, dần dần đến nhà giàu có. Nhưng người giàu bận không rảnh thời gian làm bánh, mới bỏ tiền ra mua bánh. Vậy là ở Nam Phổ (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) ra đời món bánh nậm, được làm và bán rong khắp nơi… Ngày còn bé, chiều chiều, nội tôi chờ gánh hàng rong Nam Phổ đi ngang nhà, gọi vào mua cho anh em tôi một ít bánh nậm. Chiếc bánh mỏng manh, bé xíu, nội dùng thìa bóc nó ra khỏi tấm lá, trong khi chúng tôi há miệng chờ như chim non… Mỗi đứa nội đút cho một chiếc, rồi tới phiên đứa khác. Tấm bánh thơm ngon tan dần trong miệng, đến bây giờ nhớ lại vẫn thấy rất ngon…
Được làm bằng bột gạo nên bánh có tính lành (người già, trẻ em, người ốm đều ăn được). Ở Huế, bánh nậm còn được làm nhân đậu xanh, để ăn chay ngày rằm, mồng một. Đặc biệt, duy nhất trên đường Bà Triệu (gần quán cơm Âm Phủ) có một gia đình chuyên làm bán bánh nậm nhân thịt cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, nay đã thất truyền.
Làm bánh nậm tốn ít nguyên liệu, chỉ mất nhiều công sức. Bột gạo hòa với nước, nêm thêm gia vị, bắc lên bếp khuấy đều tay. Khi bột đặc quánh lại thì nhắc xuống dáo (đánh đều) thêm một lúc; bột đặc vét không chảy là vừa, để nguội. Làm nhân bánh bằng tôm lột hết vỏ, băm nhỏ chung với thịt ba chỉ, ướp nước mắm, tiêu và hành lá. Sau đó nêm gia vị và xào đến khi thấy khô thì lấy xuống, cho vào cối, giã cho tơi. Giã xong bỏ lại vào chảo, để lửa nhỏ, chà cho thịt tôm tơi đều. Bánh ngon cốt lõi ở phần chất lượng nhưng nay nhiều cơ sở làm bánh trộn thêm bột lọc vào bột gạo, trộn bột đậu vào nhân tôm nên bánh dở. Cứ nhìn chiếc bánh nào lớp bột trong, chọc đũa thấy dính như hồ dán là bánh dở.
Lúc ăn, lột bánh sắp ra dĩa. Có người thích để nguyên bánh trên lá gói, mùi lá thơm ăn thấy ngon hơn. Các hàng bánh Nam Phổ có sẵn thìa bằng tre để lóc bánh ra thành miếng vuông vức. Người Huế thường ăn bánh nậm với chả tôm. Nước chấm bánh là nước mắm ngon hòa ít đường, bắc lên bếp nấu sôi để nguội. Khi ăn vắt thêm chanh và dầm ớt cay.
Hương vị của bánh nậm Huế ngon một cách lạ lùng, sự hài hòa từ vỏ đến nhân đượm một chút hương lá chuối nồng nàn, khiến cho thực khách thử qua một lần thì khó có thể quên hương vị của nó.