Mặc dù được xác định là đóng vai trò quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm tạo ra các giống thủy sản chất lượng cao, tuy nhiên, việc triển khai các ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong thủy sản còn chậm và chưa được quan tâm đúng mức.
Từ năm 2008 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phê duyệt 34 đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ sinh học phục vụ thuỷ sản, với kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là kết quả sản xuất tôm he chân trắng bố mẹ sạch bệnh tại Việt Nam; lợi thế sản xuất và xuất khẩu các loài cá cảnh đa dạng kiểu hình ở Việt Nam; kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất và sử dụng đồng bộ 5 chế phẩm sinh học dùng để xử lý ô nhiễm nước và bùn đáy hồ nuôi tôm sú, cá tra năng suất cao tại đồng bằng sông Cửu Long; sử dụng các loài vi tảo biển quang tự dưỡng và dị dưỡng của Việt Nam trong nuôi trồng thủy sản…
Riêng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, sau 3 năm đã chọn lọc đàn cá tra bố mẹ trong tự nhiên, dự kiến cuối năm 2011 sẽ chuyển giao 100.000 con cá tra hậu bị đã được chọn lọc tốt, có năng suất và chất lượng thịt phi lê cao, sạch bệnh… chuyển giao cho các trại nhân giống cá tra ĐBSCL để phục vụ nghề nuôi cá tra.
Tuy nhiên, nhìn chung việc triển khai các ứng dụng CNSH trong nuôi trồng thủy sản còn chậm và chưa được quan tâm đúng mức. Sự tham gia chương trình của các địa phương, DN còn ít, công tác chuyển giao và tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài còn thấp. Nhiều chương trình nghiên cứu CNSH thủy sản mới dừng lại ở quy mô sản xuất thử nghiệm, chưa được nhân rộng ra thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho rằng, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay đó là lực lượng chuyên gia nghiên cứu khoa học CNSH thủy sản còn mỏng và còn thua kém so với một số nước trong khu vực như Thái Lan. Chính vì vậy, chưa tạo ra và triển khai được các chương trình đem lại hiệu quả lớn. Do đó, cần tiếp cận nhanh những thành tựu khoa học CNSH thủy sản trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ khác nhau từ kỹ thuật viên, cán bộ nghiên cứu hay nhà khoa học lớn để nhanh chóng đưa thành tựu khoa học vào sản xuất, giúpnông dân ở nhiều địa phương làm giàu và vươn lên khá giả.
Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác là điều kiện tiên quyết thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, song cần phân biệt rõ những sản phẩm có hàm lượng CNSH cao, giá trị thương mại lớn. Khuyến khích phát huy trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và kinh nghiệm sẵn có của nông dân. Như vậy, việc nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận các CNSH thủy sản mới có hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, nên xã hội hóa công tác nghiên cứu bằng việc khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả địa phương và DN vào hoạt động nghiên cứu KHCN; ưu tiên chuyển giao, tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm của nước ngoài; ưu đãi trong đầu tư phát triển CNSH thủy sản. Hướng nghiên cứu ứng dụng cần tập trung và chọn các đối tượng chủ lực như: di truyền chọn giống, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên chọn các giống mới, bản địa; nghiên cứu công nghệ sản xuất giống có năng suất và sản lượng cao, an toàn sinh học. Đột phá trong nghiên cứu các phương pháp phòng trị bệnh cho tôm cá: nghiên cứu vắc xin cho cá tra và chất kích thích miễn dịch cho tôm, phòng trị bệnh cho thủy sản bằng thảo dược…
Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, đề án CNSH thủy sản đã tổng hợp được 48 đề xuất và tổ chức xét tuyển chọn được 12 nhiệm vụ KHCN triển khai trong năm 2011. Các nhiệm vụ KHCN tập trung vào nghiên cứu tạo ra giống thủy sản chất lượng cao, sản phẩm mới; bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen thủy sản và vi tảo biển; bảo đảm nhu cầu giống thủy sản chủ lực, chất lượng cao, sạch bệnh, đào tạo đội ngũ cán bộ thủy sản chuyên sâu…/.
Theo VEN