Nghị định 36/2014/NĐ-CP: Xu thế tất yếu?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành nhằm thiết lập kỷ cương cho thị trường cá tra xuất khẩu, nhất là tình trạng bán phá giá… Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn quanh Nghị định này.

Ông Nguyễn Văn Ký – Tổng giám đốc Công ty Agifish: Cần sửa lại cho phù hợp

Nghị định 36 ra đời nhằm quản lý chặt ngành cá tra, tạo ra chuỗi sản xuất, chế biến nội địa để cá tra Việt Nam dễ dàng ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào không có vùng nuôi, xuất khẩu nhỏ lẻ mới cần quản lý như vậy; còn với doanh nghiệp lớn, có vùng nuôi đảm bảo xuất khẩu thì đã có Luật Doanh nghiệp và có sự quản lý của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (NAFIQAD) và VASEP. Trong khi đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp chứ không mang tính chất cấp phép. Khi các lô hàng cá tra xuất khẩu muốn thông quan phải được xác nhận của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, doanh nghiệp phải mất thêm khâu xác nhận, vô hình trung tạo ra rào cản mới.

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đơn giản hóa, thông thoáng các thủ tục để xuất khẩu được dễ dàng và thuận tiện là điều cần thiết. Vì vậy, cần sửa lại Nghị định cho phù hợp.

 

Còn nhiều ý kiến băn khoăn quanh Nghị định 36 – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc HTX Thủy sản Thới An: Một xu thế tất yếu

Những năm qua, ngành cá tra có sự tăng trưởng cả diện tích lẫn sản lượng, song chưa phát triển, bởi chưa phù hợp xu thế và đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Người nuôi cá tra vẫn đảm bảo chất lượng. Điểm yếu đang ở các doanh nghiệp. Tôi không đổ lỗi cho tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ nói tới một số doanh nghiệp làm ăn không uy tín, sản phẩm thiếu chất lượng… ảnh hưởng đến thương hiệu cá tra Việt Nam, đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Nghị định được ban hành là xu thế tất yếu, giúp loại bỏ doanh nghiệp và người nuôi cá tra không đáp ứng được yêu cầu. Những doanh nghiệp mạnh, người nuôi có khả năng trụ vững sẽ giúp cá tra lấy lại được thương hiệu. Tuy nhiên, để đáp ứng về nuôi trồng, phải thực hiện được các tiêu chuẩn mà thị trường quốc tế chấp nhận, như VietGAP. Thực hiện VietGAP không dễ, đặc biệt với hộ nuôi nhỏ lẻ. Nếu cố gắng nhưng không thực hiện được thì đến cuối năm 2015 tôi cũng sẽ phải dừng nuôi cá.

 

Ông Đoàn Văn Lâm – Thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang: Khó nuôi theo VietGAP

Trước thực trạng ngành cá tra, không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà người nuôi cũng điêu đứng. Hình ảnh con cá tra đã gắn bó với nhiều gia đình ở ĐBSCL, trở thành nguồn thu nhập chính; song giờ đây nhiều người đã phải từ bỏ những gì thân thuộc nhất với mình.

Đại gia đình họ Đoàn chúng tôi cũng đang phải gồng mình trả nợ. Chỉ còn tôi có thể tiếp tục nuôi, các anh em bi đát hơn đã phải dừng nghề. Việc đưa ra tiêu chuẩn áp dụng cho các hộ nuôi, tôi cũng đồng tình. Tuy nhiên, trước thực trạng hiện tại của gia đình, trả nợ còn chưa xong thì khó có thể triển khai thực hiện vùng nuôi theo VietGAP.

>>  Hình ảnh con cá tra đã gắn bó với nhiều gia đình ở ĐBSCL, trở thành nguồn thu nhập chính; song giờ đây nhiều người đã phải từ bỏ những gì thân thuộc nhất với mình.

Vũ Mưa (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!