(Thủy sản Việt Nam) – Hơn tháng qua, các sân nghêu vùng biển Tân Thành (Tiền Giang) “dậy sóng” do nghêu chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Các cơ quan chức năng địa phương đã theo dõi sát tình hình và bước đầu xác định có sự hiện diện của ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp trên mẫu nghêu lấy tại vùng có nghêu chết.
Bắt đầu từ cuối tháng 2/2011, nghêu nuôi vùng biển Tân Thành có hiện tượng chết rải rác bất thường từ khu vực đài Ra đa – xã Tân Thành trải dài về phía biển xã Tân Điền. Đến giữa tháng 3/2011, UBND xã Tân Thành đã tiến hành thống kê thiệt hại và xác định được 157 ha của 17 hộ có nghêu chết.
Tới nay, theo Chi cục Thú y tỉnh, diện tích nghêu chết đã phát sinh thêm ở khu vực cồn Vạn Liễu và cồn Ông Mão (đoạn từ Cầu Du lịch biển Tân Thành đến Ban Quản lý Cồn Bãi) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các sân nghêu có tỉ lệ chết từ 20-60%, kích cỡ nghêu chết dao động từ 300 – 400 con/kg. Hiện nay, các bãi nghêu đang ngập nước do đang trong thời điểm mực nước biển cao nên địa phương chưa có số liệu thống kê đầy đủ về diện tích và mức độ thiệt hại.
Chi cục Thú y tỉnh cho biết, kết quả quan trắc các chỉ tiêu môi trường nước tại vùng nuôi nghêu ven biển Tân Thành của Chi cục Thủy sản cho thấy môi trường nước tại khu vực nuôi nghêu hiện tại vẫn nằm trong ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của con nghêu (nhiệt độ 300C, độ mặn 25mg/l, pH 7,5).
Nghêu Tiền Giang chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân Ảnh: Thanh Nhã
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm các mẫu nghêu chết (mẫu thu ngày 23/3/2011) tại Phân viện Thủy sản Cà Mau xác định có sự hiện diện ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp tại 4 điểm lấy mẫu gồm: Cồn Vạn Liễu, Cồn Ông Mão, Cồn Ngang, ấp Tân Phú – Tân Thành, với tỷ lệ cảm nhiễm dao động từ 50-80%, cường độ cảm nhiễm từ 10 – 340 bào tử Perkinsus sp trên một cá thể nghêu. Trong đó, tỉ lệ cảm nhiễm ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp cao ở mẫu nghêu trong khu vực bãi nghêu tại ấp Tân Phú – xã Tân Thành, nhưng kết quả xét nghiệm các mẫu nghêu này cho thấy kích thước bào tử ký sinh trùng Perkinsus sp còn nhỏ.
Hiện, Chi cục Thú y tỉnh đang đề nghị Phân viện Thủy sản Cà Mau tiếp tục nghiên cứu mô bệnh học của mẫu nghêu gửi xét nghiệm để xác định xem ký sinh trùng nói trên có làm ảnh hưởng đế cấu trúc mô của nghêu nuôi hay không, từ đó có thêm cơ sở cho việc nhận định nguyên nhân gây chết nghêu.
Theo Bà Ngô Thị Thu Thảo – Bộ môn Kỹ thuật nuôi Hải sản (Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ) – lần đầu tiên ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus được phát hiện ở vịnh Mexico (Mackin et al., 1950). Những năm tiếp theo, một vài loài Perkinsus được phát hiện từ những đối tượng thân mềm sống ở nước mặn như hàu, điệp, nghêu và bào ngư (Lester & Davis, 1981; Azevedo, 1989; Navas et al., 1992; Choi & Park, 1997; Blackbourn et al., 1998; Hamaguchi et al., 1998; Canestri-Trotti et al., 2000; Liang et al., 2001; Suppanee et al., 2004; Park et al., 2006).
Sinh trưởng chậm, mở vỏ và chết hàng loạt là những dấu hiệu điển hình của việc nhiễm ký sinh trùng Perkinsus ở quần thể nghêu và hàu (Mackin, 1962; Park & Choi, 2001). Ở nghêu Manila, bào tử Perkinsus thường xuất hiện từng đám trên màng áo, mang, mô liên kết tuyến tiêu hóa và tuyến sinh dục nhưng chúng ít xuất hiện ở chân, cơ khép vỏ và siphon (Thao & Choi, 2004). Những con nghêu bị nhiễm nặng thường có những đốm trắng trên màng áo, mang và chân do phản ứng của cơ thể khi bị ký sinh trùng xâm nhập. Đường kính bào tử Perkinsus biến động từ 7,7-15,8ìm, trung bình 10,9ìm (Park & Choi, 2001).
THÀNH CÔNG