Ngày 18/8, Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động phối hợp cùng Công đoàn ngành NN&PTNT Việt Nam, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tổ chức hội thảo: “Bảo đảm an toàn và sức khỏe cho ngư dân khai thác thủy sản xa bờ trên tàu đóng mới” tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Những con số đưa ra tại hội thảo cho thấy, ngư dân khai thác trên biển bị bệnh về thính giác chiếm 54,7%, đau cột sống 17%, sâu răng và tiêu hóa lần lượt là trên 36% và trên 28%… Ngoài ra, hàng loạt các bệnh khác như bệnh thần kinh, viêm họng, tim, gan, thận…
Bảo đảm sức khỏe cho ngư dân khai thác thủy sản xa bờ là việc làm cần thiết – Ảnh: Xuân Trường
Theo kết quả điều tra từ năm 1980 đến 1989, có hơn 5.800 vụ tai nạn tàu cá, trung bình 600 vụ/năm. Riêng năm 2012, bình quân mỗi tuần có khoảng 6 – 8 vụ tàu cá gọi cấp cứu vì xảy ra các tai nạn như: cháy nổ, ngư dân bị thương, rơi xuống biển, gãy chân vịt, tàu tự chìm…
Thống kê của Liên đoàn Lao động Phú Yên cũng cho thấy, tỉnh có hơn 6.000 tàu cá, trong đó tàu có công suất 90 CV trở lên hơn 1.000 chiếc. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 11 tàu cá bị nạn (va đá ngầm, hỏng máy, chìm tàu, cháy tàu) và 9 trường hợp ngư dân bị chết. Nguyên nhân được cho là tàu thuyền khai thác lạc lậu, thiếu phương tiện, trang thiết bị cần thiết; việc tuân thủ các biện pháp an toàn lao động chưa được chú trọng…
Trước thực trạng trên, các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra kiến nghị nhằm hỗ trợ đảm bảo an toàn sức khỏe cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ như: khuyến khích triển khai đóng mới các tàu vỏ sắt, vỏ composite và áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến; trang bị phao cứu sinh cho tất cả các thuyền viên, thậm chí là trang bị loại có phát sóng; trang bị phao tròn và bè cứu sinh có dự trữ nước và lương thực; trang bị ra-đa trên tàu cá… Với những tàu đánh bắt xa bờ đóng mới từ gói hỗ trợ 4.500 tỷ đồng của Chính phủ, cần chú trọng ngay từ khâu tư vấn thiết kế…