Tái thiết ngành cá tra: Dẫu “hy sinh”, cũng phải làm!

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ 20/6/2014, chỉ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ mới được xuất khẩu sản phẩm cá tra. Đây là công cụ điều hành mạnh mẽ nhất được các cơ quan chức năng tung ra, nhằm cứu ngành cá tra đang có nguy cơ “vỡ trận”.

Trở lại vấn đề quy hoạch

Cơ chế thị trường là cơ chế kinh doanh tự do, song không phải vì thế nó trở nên “vô chính phủ”. Bằng chứng là việc quy hoạch bị phá vỡ, cung lớn hơn cầu, gây thua lỗ nặng cho người nuôi. Nhiều năm thua lỗ, người đầu tư bắt đầu chán nản, chuyển sang làm ăn ở lĩnh vực khác. Người ta đã mất ít nhiều niềm tin vào sự điều hành chung: Những người nuôi trong quy hoạch sẽ được gì, khi người nuôi ngoài quy hoạch sẵn sàng bán hạ giá, cạnh tranh không lành mạnh và mặc sức giành giật thị trường.

Nghị định mới đã tạo ra một cuộc cách mạng, khi sử dụng công cụ điều tiết bằng chính sách đối với thị trường nuôi và cung ứng cá tra. Muốn xuất khẩu cá tra, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các yêu cầu về mặt luật pháp, như: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thực phẩm thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó, vấn đề nuôi trồng trong quy hoạch được đặt ra như một “lớp lọc” kế tiếp: Cơ sở chế biến cá tra phải nằm trong quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đã được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Cấp độ cuối cùng, sau khi đáp ứng được hai yêu cầu trên, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra chế biến.

Biện pháp mạnh này sẽ bảo vệ người nuôi trong vùng quy hoạch, nếu nó được thực hiện rốt ráo và không lấy “tình” thay cho “lý”, không dung túng cho các vùng nuôi ồ ạt ngoài tầm kiểm soát. Công cuộc vẽ lại bản đồ nuôi cá tra chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, bởi sự phản ứng công khai và ngấm ngầm. Một số doanh nghiệp cho rằng họ đủ năng lực nuôi, đầu tư nhiều, có uy tín, vậy tại sao chỉ cấp phép cho các cơ sở trong quy hoạch? Một số khác lo ngại rằng có cảnh trong quy hoạch sẽ “làm đầu nậu” cho ngoài quy hoạch, bằng cách thu gom về để xuất khẩu. Các hộ nuôi thì thường làm theo phong trào, không nắm rõ quy hoạch, nên họ cũng cảm thấy việc đột ngột dừng sản xuất sẽ gây không ít thiệt hại.

Đến 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Điều này có nghĩa, những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận mới được thông quan. Người ta lo ngại: Liệu Hiệp hội có quán xuyến được tất cả các doanh nghiệp trong ngành? Liệu trong quá trình cải cách hành chính, việc đưa ra nhiều “lưới lọc” như vậy có cần thiết hay không đối với thị trường tự do? Và quan trọng hơn, nó có thúc đẩy được thị trường xuất khẩu cũng như nuôi trồng, hay sẽ dần trở lại thời bao cấp sản xuất và xuất khẩu theo chỉ tiêu của ngành?

 

Nghị định 36 là công cụ điều hành mạnh nhất được các cơ quan có trách nhiệm đưa ra nhằm cứu ngành cá tra – Ảnh: Ngọc Trinh

Kiên quyết nhưng nên mềm dẻo

Một chuyên gia ngành thủy sản tâm sự: Chủ trương lần này là quyết liệt, nếu làm được thì chắc chắn sẽ chấn chỉnh ngành cá tra theo hướng tích cực. Song, để làm được việc đó không dễ, bởi từ chính sách đến thực tiễn còn phải dựa vào thực tế.

Chẳng hạn, ai sẽ là người kiểm định chất lượng các doanh nghiệp, ai sẽ xem xét nguồn gốc hàng hóa? Muốn làm việc này phải có bộ máy, chuyên môn, thiết bị, tư cách pháp nhân…; không phải cứ nói là làm được. Bởi vậy, khi quy định các doanh nghiệp phải “bảo đảm chất lượng đã công bố đối với sản phẩm cá tra xuất xưởng; tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cá tra đã công bố; thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật” – thì cũng gần với việc doanh nghiệp “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Việc truy xuất nguồn gốc, hay hợp đồng với Hiệp hội là chuyện phổ biến và gần như xu hướng tất yếu. Song với điều kiện Việt Nam thì áp dụng thế nào cho hợp lý? Hiệp hội cần phải có đại diện từ tất cả các thành phần, lĩnh vực, có đại diện của người nuôi, nhà chế biến xuất khẩu.

Một số nhà xuất khẩu cho biết: “Hiệp hội phải có đủ năng lực điều hành xuất khẩu, chứ không đơn thuần là một tổ chức xã hội nghề nghiệp”. Thị trường diễn biến từng ngày và việc đưa ra đối sách hợp lý sẽ lập tức chi phối thị trường. Như vậy, vai trò Hiệp hội cũng như bộ máy điều hành và chức năng nhiệm vụ các hiệp hội cũng phải được kiện toàn và hiện đại hóa mới theo kịp được thị trường xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD và biến động thất thường.

Một số công ty nước ngoài cũng thường cho biết, họ có mối liên hệ không mấy chặt chẽ với các hiệp hội nói chung. Chính sách xuất khẩu với các công ty liên doanh và vốn nước ngoài ra sao? Họ sẽ tham gia các hiệp hội thế nào? Các công ty nước ngoài có ký hợp đồng xuất khẩu với hiệp hội hay không? Nếu có sự quản lý thì sẽ diễn ra thế nào? Cộng đồng nuôi và xuất khẩu cá tra cần phải tìm mô hình linh hoạt hơn trong điều kiện hiện nay. 

Một vấn đề khác cũng được các doanh nghiệp quan tâm: Việc kiểm soát của Hiệp hội đến đâu? Liệu có áp dụng giá sàn? Áp dụng giá sàn sẽ có lợi và hại ra sao?

Vấn đề tranh luận ở đây chắc chắn còn kéo dài, dựa trên nền tảng lý luận, tư duy về sự can thiệp của nhà nước và các hiệp hội đến thị trường ở mức nào thì vừa phải và mức nào thì sẽ làm thị trường biến thái đi. Một thị trường không kiểm soát chặt chẽ như thời gian vừa qua dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch, tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh… đang đe dọa sự tồn tại của ngành cá tra.

>>  Để tái thiết ngành cá tra, việc điều chỉnh là hợp lý và điều chỉnh thông qua các tổ chức hiệp hội là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nó phải dựa trên nguyên tắc sự đồng thuận của toàn Hiệp hội, thì những chính sách mới đi được vào thực tiễn và tồn tại bền vững.

N. A

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!