Tàu composite có thể thay tàu gỗ?

Chưa có đánh giá về bài viết

Vừa qua, tàu vỏ composite câu cá ngừ đại dương của Công ty Yanmar (Nhật Bản) đặt hàng thử nghiệm cho ngư dân Việt Nam đã chính thức hạ thủy. Liệu đã đến lúc, tàu vỏ composite khẳng định vị thế.

Nghị định 67 sẽ thay đổi diện mạo ngành thủy sản Việt Nam

Thành lập doanh nghiệp đánh bắt xa bờ: Đã đến lúc phải thực hiện

20 năm trước… dân chưa ưng

Thực ra con tàu vỏ composite đã được Việt Nam chế tạo và đưa vào sử dụng từ hơn 20 năm trước. Trong lĩnh vực khai thác thủy sản xa bờ, một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Hải sản Biển Đông cũng đã “đi tắt đón đầu” khi đóng tàu vỏ composite cho chương trình khai thác xa bờ, tuy nhiên những con tàu “đẹp và mềm mại” này không đi được vào lòng dân. Ngư dân đánh giá nó “đỏng đảnh”. Có người nói vui, “xuống đó, không say sóng coi như đã là ngư dân thứ thiệt”. “yếu xìu… va đâu móp đó”… Và đắt, chừng hơn 10 năm trước vỏ tàu composite đắt gấp 2 – 3 lần vỏ tàu gỗ, có lẽ đây là lý do chính khiến ngư dân lảng tránh loại vật liệu mới này.

Cũng phải kể thêm một lý do khá duy tâm nữa là những đơn vị đi tiên phong với con tàu vỏ composite đã không thành công trên ngư trường. Rồi hình ảnh 18 chiếc tàu vỏ composite “to vật vã” phơi nắng mưa ở cảng Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) đến một ngày bốc hỏa. Rồi… cũng phải nói thẳng, con tàu dân đi, dân đóng, chủ yếu tại các cơ sở đóng tàu truyền thống, “các nhà” đứng ngoài cuộc, bởi thế khi trên thế giới con tàu vỏ composite đã trở nên phổ biến thì ở Việt Nam nó vẫn là… mới lạ. Thật buồn khi thông tin về tính “lợi hại” của con tàu vỏ composite lại đến với ngư dân qua con đường làm thuê cho tàu cá nước ngoài. Từ những thông tin ấy có những ngư dân tìm mua tàu vỏ composite cũ “như niềm mơ ước” từ nước ngoài về, tu sửa lại chút ít rồi ra khơi. Cũng không uổng công khi chính họ đưa ra thống kê: Dầu giảm ít nhất hơn 10%, tiền bảo dưỡng hàng năm về gần con số KHÔNG.

Tàu câu cá ngừ đại dương vỏ composite Yanmar hạ thủy sáng 28/7 – Ảnh: Tiến Thành

 

Có thay được tàu gỗ?

Ở thời điểm hiện tại câu trả lời đã dứt khoát: Thay được, không những thế còn có thể nói nó mang lại lợi ích kinh tế vượt trội cho ngư dân. Theo ông Phan Tuấn Long, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chế tạo Tàu thủy (Đại học Nha Trang), vấn đề này thế giới đã giải quyết từ lâu. Ở châu Á, những nước có nghề cá phát triển đều chọn vật liệu composite cho tàu cá vừa và nhỏ (có chiều dài dưới 30 m) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Composit có những ưu điểm không vật liệu nào có được như độ bền, trơ trước ăn mòn của nước biển, dễ tạo hình theo ý muốn. Rất thuận tiện cho việc chế tạo phục vụ lắp đặt các thiết bị đi biển, đánh bắt, bảo quản hiện đại. Giá thành vỏ tàu composite chỉ cao hơn vỏ tàu gỗ khoảng 10%. Nếu đóng theo số lượng hơn 10 chiếc thì giá tương đương tàu gỗ, do giảm chi phí khi sử dụng lại khuôn mẫu. Tàu cá vỏ composite còn có thể gọi là “tàu cá không chìm” bởi thiết kế chia thành những khoang kín. Trong trường hợp bị thủng 1 – 2 khoang tàu vẫn vận hành được, nếu bị lật, nhờ các khoang kín, vật liệu nhẹ nên vẫn nổi như chiếc phao cho ngư dân bám vào, tăng khả năng sinh tồn trong những tai nạn rủi ro. 

Bài toán “lắc… yếu” cũng được giải quyết thông qua thiết kế để trọng lượng tàu tương đương tàu gỗ. Để chống va đập, các nhà thiết kế đã sử dụng giải pháp gia cường cục bộ nhằm tăng độ bền va đập ở những vị trí thiết yếu (như ky tàu, mũi tàu, mạn trên tàu..). Khắc phục được vấn đề giá đầu vào và tính đỏng đảnh, tàu vỏ composite sẽ có lợi thế hơn hẳn ở các điểm: Độ bền hơn 30 năm, chi phí bảo dưỡng rất thấp. Vỏ tàu composite có thể thiết kế tuyến hình hợp lý nhất để giảm lực cản của nước, tăng độ ổn định của tàu, nhờ đó nó có vận tốc trung bình cao hơn tàu vỏ gỗ từ 15 – 20%, chi phí dầu cũng giảm tương ứng. Vật liệu compositr cũng thuộc loại dễ tính như gỗ, với những hư hại, kể cả thủng nhỏ ngư dân có thể tự sửa ngay trên biển.

Những lợi thế rất rõ từ vật liệu composite cùng với việc nguyên liệu gỗ đóng tàu ngày càng khan hiếm thì thời của những con tàu vừa và nhỏ (dài dưới 30 mét) vỏ composite có lẽ đang đến rất gần.

>> Theo ông Phan Tuấn Long, việc khó nhất trong đóng tàu composite là chế tạo khuôn, phải thực hiện tại các doanh nghiệp, cơ sở trình độ chuyên môn cao, nếu chuyển giao khuôn (sử dụng nhiều lần) các phần việc còn lại chiếm hơn 85% giá trị con tàu các cơ sở đóng tàu truyền thống có thể đảm nhiệm được.

Đức Thảo - Ngọc Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!