Quanh Dự thảo “Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020”, nhiều nhà quản lý nhận định, những con số theo quy hoạch quá cao; cần giữ ổn định diện tích nhưng nâng giá trị cho con cá tra…, có thế mới giúp ngành cá tra phát triển bền vững.
Ông Hồ Văn Vàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Ngành cá tra sẽ thắng nếu theo được quy hoạch
Hiện nay việc quy hoạch cá tra còn gặp khó. Với diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL hơn 6.000 ha như thời điểm này đã và đang xảy ra chuyện mua bán dưới giá thành, cạnh tranh không lành mạnh, người nuôi thua lỗ… Như vậy, con số theo quy hoạch đến năm 2020 với diện tích đạt 7.260 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu 2,5 – 3 tỷ USD là không có cơ sở.
Việc thực hiện Quy hoạch phát triển và sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL có sự thuận lợi khi nhận được sự quan tâm từ Nhà nước, Chính phủ… Nghị định 36 ra đời là cơ sở, định hướng hoạt động của ngành. Việc thực hiện nội dung Quy hoạch về phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra như Việt Nam đang làm giống với thực hiện mô hình sản xuất, xuất khẩu cá hồi Na Uy năm 1991. Tại Na Uy, mô hình sản xuất cá hồi bị phá sản do quá trình sản xuất tự phát nên Nhà nước phải tổ chức quản lý lại, lập quy chế sản xuất, xuất khẩu cá hồi; từ đó ngành cá hồi đã có những diễn biến tốt hơn và tạo được chuyển biến như hiện nay. Trong khi cá hồi Na Uy phải cạnh tranh rất gay gắt thì ngành cá tra Việt Nam lại đang độc quyền xuất khẩu (đến nay đã xuất khẩu sang gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ), nhưng các nhà máy cạnh tranh không lành mạnh, sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước đã dẫn đến tình trạng đi xuống của ngành như hiện nay. Do đó, việc thực hiện quy hoạch đi vào hệ thống sẽ giúp hạn chế tình trạng trên, đưa ngành cá tra dần ổn định, thắng lợi như cách làm tại Na Uy. Tuy nhiên, để hoạt động này ổn định, cần có sự chỉ đạo, vào cuộc của các ban, ngành liên quan; trong đó, mỗi ban ngành cần thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ Tài chính sẽ đưa ra giá thành sản xuất cụ thể của 1 kg cá tra; Bộ Công thương sẽ quản lý các nhà máy chế biến; Bộ NN&PTNT có nhiệm vụ điều chỉnh vùng nuôi theo quy hoạch.
Hiện, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt hơn 6.000 ha Ảnh: Duy Khương
Ông Lê Trung Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang: Những con số theo quy hoạch quá cao
Theo quy hoạch, diện tích và sản lượng cá tra ĐBSCL đến năm 2020 sẽ đạt 7.260 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu 2,5 – 3 tỷ USD. Những con số này còn quá cao để đánh giá từ bây giờ. Bởi vấn đề quan trọng với mặt hàng cá tra là tạo được giá trị xuất khẩu, đem lại thu nhập cho các bên tham gia, nếu diện tích vẫn giữ nguyên như hiện nay nhưng nâng được giá trị thì sẽ tạo được lợi thế cho người nuôi. Khi tăng được giá trị thì việc nâng diện tích, sản lượng… sẽ dễ thực hiện. Để làm được điều này, cần nắm được những tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế, nắm được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam.
Với một sản phẩm cắt khúc như hiện nay, cần có nhiệm vụ rõ ràng giữa các tổ chức, doanh nghiệp, người nuôi, với mục tiêu đem lại lợi nhuận cho tất cả các bên tham gia, giữa Trung ương và địa phương. Trong đó, Bộ NN&PTNT cần rà soát việc nuôi theo quy định của người nuôi, Bộ Công thương cần xác định rõ nhu cầu thị trường, đánh giá đúng thị trường. Trên thực tế, ngành cá tra có những thuận lợi khi thực hiện quy hoạch là khả năng mở rộng diện tích, người nuôi có nhiều kinh nghiệm, có thể áp dụng được những tiêu chuẩn của các thị trường khác nhau. Nhưng những khó khăn cũng không ít, như: vấn đề nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc thị trường nước ngoài (nguyên liệu quyết định 70 – 80% giá thành sản phẩm); vốn sản xuất cho doanh nghiệp, người nuôi còn khó khăn; sự minh bạch giữa các tổ chức, cá nhân, tổ chức hội tham gia sản xuất còn hạn chế. Do đó, khi có sự phân công, minh bạch nhiệm vụ giữa các bên tham gia, những khó khăn từng bước được tháo gỡ sẽ giải quyết được vấn đề căn cơ của ngành.