Ngày 16/10, tại UBND TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND thành phố nhằm đánh giá kết quả việc triển khai mô hình sản xuất rau, quả, thủy sản theo chuỗi nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP.
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết và phối hợp với các tỉnh kiểm soát nguồn nông sản, thực phẩm đưa về thành phố tiêu thụ, với khối lượng: 71.500 tấn rau, quả/tháng (chiếm 69% tổng nhu cầu của thành phố); 13.600 tấn thịt lợn/tháng (chiếm 78,8%); 4.976 tấn thịt gà/tháng (chiếm 86,5%); 16.721 tấn thủy sản/tháng (chiếm 75,3%)…
Thành phố triển khai 3 chuỗi thực phẩm an toàn là: chuỗi sản phẩm rau, củ, quả; chuỗi sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm; chuỗi sản phẩm thủy sản. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, đã xây dựng được chuỗi sản xuất cá viên, với sự tham gia của Công ty CP Chế biến xuất khẩu Cầu Tre, sản lượng 55 tấn/năm, tiêu thụ tại tất cả các siêu thị trên địa bàn thành phố. Chuỗi sản phẩm cá điêu hồng, với sự tham gia của Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, sản lượng 120 tấn/năm, tiêu thụ tại cửa hàng của chợ Bình Điền. Chuỗi sản phẩm tôm thẻ chân trắng của 3 cơ sở thuộc huyện Cần Giờ, sản lượng 90 tấn/năm, tiêu thụ tại các cửa hàng thuộc chợ Bình Điền.
Việc quản lý nông sản thực phẩm theo chuỗi sẽ giúp chủ động trong đánh giá và cảnh báo nguy cơ, giúp truy xuất nguồn gốc, khắc phục nhanh các sự cố về vệ sinh ATTP, nhất là tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, TP Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn. Như, với nhóm sản phẩm thủy sản và rau, củ, quả chưa có quy định về giấy chứng nhận đi kèm lô hàng, nên việc thực hiện truy xuất nguồn gốc còn gặp nhiều trở ngại; Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật trong ngành sản xuất, sơ chế, chế biến chưa đồng bộ; Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm còn bất cập…
Để giải quyết những thách thức trên,Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đơn giản hơn rất nhiều so với các tiêu chuẩn khác, nên sẽ phổ biến trong toàn dân, thực hiện tập huấn, hướng dẫn, tổ chức hộ dân thành tổ sản xuất hoặc hợp tác xã. Cùng đó, cấp giấy chứng nhận, mã cho các sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa đầu mối tiêu thụ với các hợp tác xã; kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan…