Ứng dụng VietGAP trong phát triển NTTS bền vững tại Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Là chủ đề của Hội thảo do Hội Nghề cá Việt Nam, Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Sóc Trăng cùng sự phối hợp và tài trợ của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Tổ chức Oxfam Novib (chi nhánh của Oxfam tại Hà Lan) diễn ra sáng 19/11, tại Sóc Trăng.

TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, để có cái nhìn toàn diện về thực trạng cũng như tiềm năng ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại Việt Nam, chúng ta cần phải có những nghiên cứu, tổng kết, đánh giá công tác triển khai, ứng dụng. Theo đó, hội thảo này nhằm đưa ra những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng vào thực tế, giúp giảm thiểu khó khăn trong tiêu thụ cũng như những gánh nặng về tài chính cho người nuôi. Đồng thời, xác định các mối tương đồng, tương quan, khả năng chia sẻ thị trường, phối hợp và công nhận lẫn nhau giữa các bộ tiêu chuẩn.

Ngoài tham luận “Cập nhật quy định về áp dụng VietGAP trong nuôi thủy sản” TS. Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cũng nhấn mạnh, vấn đề không phải là chứng nhận nào, mà là cách làm có thật hay không, sản phẩm có đáp ứng được các tiêu chí chất lượng của thị trường hay không mới quan trọng. Việc sản lượng thủy sản tăng bao nhiêu cũng không phải là yếu tố quyết định trong phát triển thủy sản, mà là chất lượng và hiệu quả đạt được ra sao. Do đó, chúng ta cần tận dụng tất cả các nguồn lực để phát triển theo nhóm cộng đồng, phát huy và duy trì hiệu quả thực hiện, từng bước hoàn thiện các tiêu chí theo chuẩn mực quốc tế.

Xoay quanh vấn đề được và chưa được khi áp dụng VietGAP, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang chia sẻ, việc có quá nhiều tiêu chuẩn, nhưng lại không công nhận lẫn nhau, khiến cho cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi mất rất nhiều thời gian, chi phí cho việc kiểm tra, đánh giá. Do vậy, phải làm thế nào để các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ chấp nhận bộ tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam. Để làm được việc này, từ tổ chức cho đến chứng nhận viên đều phải được chuẩn hóa, đạt tầm cỡ và quy mô quốc tế, mới tạo được niềm tin nơi họ.

>> TS. Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh, chúng ta thực hiện VietGAP là để khẳng định với các nước về chất lượng và tạo dựng niềm tin về hàng thủy sản Việt Nam. Do đó, cần có sự tham gia của doanh nghiệp, để gắn kết với người nuôi trong chuỗi giá trị. Muốn duy trì được VietGAP hay các tiêu chuẩn khác, nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất, để phát huy hiệu quả và khẳng định tiêu chuẩn thủy sản Việt Nam với thế giới.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!