Khả quan vụ tôm nước lợ 2014

Chưa có đánh giá về bài viết

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết vụ tôm nước lợ 2014 của Bộ NN&PTNT vừa qua tại Bến Tre cho thấy, tình hình nuôi tôm năm qua có nhiều tín hiệu khả quan, người nuôi có lãi, mặc dù dịch vẫn còn dấu hiệu của dịch bệnh.

Tín hiệu khả quan

Báo cáo của 30 địa phương nuôi tôm nước lợ cho thấy, tính đến 31/10/2014 cả nước thả nuôi 675.830 ha (đạt 100.9% kế hoạch); trong đó, diện tích nuôi tôm sú 582.514 ha, tôm thẻ chân trắng (TTCT) 93.316 ha. Đến nay, thu hoạch trên 620.000 ha; trong đó, tôm sú 552.000 ha, TTCT 69.000 ha. Sản lượng ước đạt trên 660.000 tấn, tăng 20,4% so cùng kỳ; trong đó, tôm sú ước 260.000 tấn, TTCT trên 400.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt 6,48 tỷ USD, riêng tôm sú đạt 2,93 tỷ USD, bằng 117,2% so cùng kỳ năm 2013.

Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, có 35 doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản nhập khẩu tôm giống bố mẹ với 181 lô TTCT, 1 lô tôm sú bố mẹ, số lượng nhập khẩu khoảng 143.960 con. Kết quả kiểm tra các lô hàng TTCT bố mẹ 10 tháng đều đạt chất lượng, còn 1 lô tôm sú không đáp ứng yêu cầu về kích cỡ theo quy định của Bộ NN&PTNT. Cục Thú y đã kiểm dịch được 280.000 con TTCT bố mẹ và 670 con tôm sú bố mẹ. Kết quả, tỷ lệ giống qua kiểm dịch đạt 50,6% còn lại không đăng ký kiểm kịch.

Đến nay, sản lượng tôm thu hoạch ước đạt trên 660.000 tấn – Ảnh: Diệu Lữ

Đối với công tác Thanh kiểm tra trong lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ cùng với các địa phương đã tiến hành thanh, kiểm tra được 848 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý cải tạo môi trường và thuốc thú y thủy sản. Qua đó, phát hiện và xử lý 386 cơ sở vi phạm, phạt hơn 2,7 tỷ đồng. Sai phạm mà các tổ chức, cá nhân mắc phải là vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá quá công dụng, ghi sai so với đăng ký và sản phẩm nằm ngoài danh mục được phép lưu hành tại việt nam, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Riêng Thanh tra Bộ đã tiến hành rà soát 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản; qua đó, phát hiện Công ty TNHH ÔNI có 7 sản phẩm thức ăn bổ sung dùng trong nuôi trồng thủy sản không có tên trong danh mục được phép lưu hành.  

 

Vượt qua thách thức

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2014 mang đến cơ hội lớn cho con tôm nước lợ Việt Nam vì sản lượng tôm của 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới là Thái Lan và Trung Quốc vẫn chưa cải thiện nhiều và tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn cung tôm cho thị trường thế giới. Giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức cao như hiện nay là do trên nhiều thị trường thế giới thiếu nguồn cung, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh đã tạo thuận lợi cho Việt Nam ký kết nhiều hợp đồng với khác hàng. Đặc biệt, diện tích nuôi TTCT tăng lên mức 93.316 ha và sản lượng nuôi đạt trên 400.000 tấn đã kịp thời cung cấp nguyên liêu cho chế biến và xuất khẩu.

Bên cạnh thuận lợi thì từ nay đến cuối năm 2014 con tôm Việt Nam vẫn còn gặp thách thức lớn như: Rào cản kháng sinh tiếp tục là trở ngại cho xuất khẩu tôm vào Nhật Bản trong những tháng còn lại và cho cả năm năm 2015. Mức thuế chống bán phá giá mà Bộ thương mại Mỹ công bố vào cuối tháng 9 vừa qua đối với tôm Việt Nam (mức cao 6,37%) là một bất lợi cho việc xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ…

Dự báo, trong quý IV/2014, tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tiếp tục tăng do một số nước cạnh tranh như Thái Lan và Ấn Độ đang gặp trở ngại trong việc xuất khẩu tôm vào thị trường này; giá trị xuất khẩu ước 1 tỷ USD. Với tình hình thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam thuận lợi như hiện nay thì sẽ đạt mức 3,8 tỷ USD năm 2014, tăng 22% so năm 2013.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, năm 2014, nông nghiệp Việt Nam tương đối được mùa, được giá. Nổi bật nhất là ngành nuôi tôm, sản lượng cao, giá cả tương đối. Giá 1 kg tôm bằng khoảng 20 kg lúa. Như vậy, với sản lượng tôm tăng 20,4% tấn so với năm 2013 thì tương đương hơn 2 triệu tấn lúa. Tốc độ tăng trưởng ngành nuôi tôm 22% là đạt kỷ lục từ trước đến nay. Kết quả này rất có ý nghĩa đối với các tỉnh vùng biển trong cơ cấu kinh tế; theo đó, phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững là vấn đề đặt ra cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

 Song bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn canh cánh nỗi lo về dịch bệnh và biến động thị trường. Theo đó, cần tiếp tục duy trì, phát triển và tâp trung tháo gỡ rào cản thị trường; hỗ trợ cho người nuôi nắm vững KHKT trong quá trình nuôi, quản lý dịch bệnh là rất quan trọng. Phải rà soát nhanh lại quy hoạch và các địa phương cần xác định mô hình phù hợp với điều kiện sinh thái.

Ngoài ra, vấn đề phòng chống dịch bệnh vẫn được đặt làm trọng tâm từ nay đến cuối năm và phải điều chỉnh lại bộ máy quản lý. Giao cơ quan thú y là đầu mối và có thẩm quyền pháp lý đảm nhiệm công tác quản lý dịch bệnh trên thủy sản trong thời gian tới. Theo đó, các địa phương nên trình UBND tỉnh tăng cường nguồn nhân lức và bố chí cán bộ vùng tôm phải là cán bộ chuyên ngành thú y thủy sản. Tiếp cục tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học. Tập trung kiểm tra và xử lý theo luật và nếu cần thì báo cáo UBND tỉnh rút giấy phép.

>> Theo các nhà chuyên môn, năm 2015, các cấp ngành tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm nước lợ; phát hiện nhanh, xử lý, kịp thời khống chế không để dịch bệnh phát tán trên diện rộng; Đặc biệt, với nuôi thâm canh và bán thâm canh TTCT, không phá vỡ quy hoạch, đảm bảo diện tích 700 ngàn ha; sản lượng 700 nghìn tấn.

Nguyễn Duy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!