Đó là chủ đề của Hội nghị toàn thể ISG năm 2014 vừa diễn ra sáng nay, tại Hà Nội; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát; ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UNBD tỉnh Đồng Tháp; ông Henning Pedersen, Trưởng đại diện IFAD (Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế) tham dự và chủ trì; Cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp, hội…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; Vai trò của công nghiệp chế biến ngày được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền nông nghiệp. Tuy, vẫn còn đó những khó khăn, hạn chế nhất định cần tháo gỡ. Hội nghị lần này ngoài việc thông tin đến cộng đồng các nhà tài trợ, đầu tư, các tổ chức quốc tế, cơ quan địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về định hướng phát triển, ưu tiên và môi trường đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Theo đó, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhiều loại hình doanh nghiệp, các tổ chức để tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; tạo thu nhập, lợi nhuận cho người dân.
Ông Trần Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối chia sẻ, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đang đối diện với 4 thách thức: Không đảm bảo sự ổn định về chất lượng, số lượng nguyên liệu; Các sản phẩm chế biến mới dừng lại ở dạng thô và chất lượng thấp; Chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ; Sử dụng các phế, phụ phẩm chưa được quan tâm đúng mức; Thông tin và định hướng thị trường còn bất cập. Theo đó, cần khuyến khích và đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; ưu tiên hàng đầu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư đổi mới công nghệ…
Đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội cũng cho rằng, Nhà nước cần thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào khâu chế biến hàng nông sản (những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam). Như chia sẻ của đại diện Doanh nghiệp Tư nhân Thủy sản Đắc Lộc, các sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận GlobalGap nhưng chưa có đầu ra; do vậy, các bộ ngành cần có những nghiên cứu, khơi thông thị trường, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung; giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư công nghệ vào sản xuất.
Cùng đó, đại diện tham tán thương mại các nước cũng cho rằng, Chính phủ và Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi hơn nữa, thu hút các tổ chức quốc tế đầu tư nghiên cứu, thực hiện hướng dẫn áp dụng công nghệ mới trong sản xuất; Đẩy mạnh hợp tác công tư…
>> ISG (Nhóm hỗ trợ quốc tế), được thành lập năm 1997 theo Quyết định 541 NN/TCCB-QĐ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, mục tiêu điều phối chung, hài hòa thống nhất hơn các vấn đề liên quan đến các khái niệm phát triển, cách tiếp cận trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn. |