Hội thảo được tổ chức sáng 12/12, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do Tổng cục Thủy sản, Hiệp Hội tôm giống Bình Thuận và Liên Hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp thực hiện. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh; Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền; cùng các hội viên hiệp hội tôm giống các tỉnh: Bình Thuận, Cà Mau, Sóc Trăng, Ninh Thuận…
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, Bình Thuận là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản, thời gian qua, nghề sản xuất tôm giống tại địa phương không ngừng lớn mạnh; số lượng giống sản xuất ngày càng nhiều, dự kiến trong năm 2014 ước đạt 25 tỷ post, cung cấp nguồn giống cho nhiều tỉnh, thành với chất lượng đảm bảo, và hiệu quả cao. Năm 2014 được nhận định là một năm có nhiều khó khăn cho sản xuất thủy sản trong đó có nghề nuôi tôm tại Bình Thuận và nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân được nhận định là do môi trường và điều kiện sản xuất chưa đảm bảo, chất lượng thức ăn và tình hình sử dụng thuốc, xử lý môi trường chưa tốt; chất lượng tôm giống không đồng đều…
Theo đó, Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá, phân tích làm rõ hơn những bất cập, hạn chế của nghề sản xuất tôm giống; đặc biệt trong việc lai tạo, chọn lựa cung ứng nguồn tôm bố mẹ tôm thẻ chân trắng (TTCT) đảm bảo chất lượng. Từ đó, đề ra các giải pháp đúng, phù hợp góp phần thực hiện thắng lợi định hướng phát triển nghề nuôi tôm bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tôm giống đã đưa ra một số công nghệ sản xuất TTCT bố mẹ tiêu biểu của các nước trên thế giới. Các đại biểu cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần thúc đẩy ngành sản xuất tôm giống nói riêng và nuôi tôm nói chung của tỉnh Bình Thuận theo hướng hiệu quả và bền vững; Mặt khác, quan tâm đến các giải pháp về tăng cường nghiên cứu các quy trình sản xuất giống sạch, quy trình nuôi chuẩn cho các trại sản xuất giống tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước nghiên cứu chọn lọc, lai tạo, gia hóa tạo những dòng tôm bố mẹ tốt; tiến tới quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như GAP, BAP.
Ngoài ra, đối với các cơ sở xuất khẩu tôm bố mẹ vào Việt Nam, cần quan tâm đến các giải pháp đảm bảo chất lượng giống tôm bố mẹ nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng tiêu chuẩn, thời gian quy định, quy trình thủ tục nhập khẩu…