Ngân hàng Nhà nước: Tiếp cận ngư dân, giải ngân vốn Nghị định 67

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo, giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như chi nhánh của NHNN tiếp cận ngư dân; cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải ngân tín dụng Nghị định 67 cho bà con.

Đó là thông tin được lãnh đạo NHNN đưa ra tại phiên họp giải trình “Tái cơ cấu nông nghiệp: Nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy hải sản Việt Nam” tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Cụ thể, tại phiên họp giải trình này, với sự tham dự và trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã giải đáp băn khoăn của Đại biểu Quốc hội Thân Đức Nam về chính sách khuyến khích phát triển thủy sản; Bộ trưởng cho hay, Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đã đưa ra nhiều quy định đối với ngành thủy sản và đặc biệt đối với đánh bắt hải sản trên biển (trong đó, có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giúp nông dân nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ…). Các bộ, ngành ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý cơ bản nhất, ban hành mẫu tàu để ngư dân tham khảo. Các địa phương đã thực hiện việc đăng ký, tổ chức rà soát để bảo đảm con tàu đầu tiên được đóng đủ chất lượng. Các địa phương đã bắt đầu lên danh sách ký hợp đồng tín dụng. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đến tháng 1/2015 nhiều ngư dân sẽ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để đóng tàu. Hiện, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đưa các quy định của Nghị định 67 vào cuộc sống.

Bộ trưởng Cao Đức Phát tại phiên họp giải trình của Ủy ban kinh tế

Trước băn khoăn của các đại biểu về mẫu tàu đánh bắt xa bờ của Bộ công bố còn chưa phù hợp với thực tế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đây chỉ là những mẫu để tham khảo và đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ngư dân để điều chỉnh phù hợp, an toàn, bảo đảm kỹ thuật.

Đáng chú ý, tham gia giải trình về chính sách tín dụng cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn khoảng 16.000 tỷ đồng và các nguồn vốn hỗ trợ khác. Tuy nhiên, tình hình triển khai tại các địa phương còn tương đối chậm. Qua tổng hợp, hiện mới mới có 7/28 UBND tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo tinh thần Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Bộ NN&PTNT cũng đã phân bổ 22 nghìn tàu tại 28 tỉnh, thành phố nhưng việc phê duyệt, xem xét của các địa phương chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ xem xét cho vay tín dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngư dân không đủ điều kiện vay vốn, một số chủ tàu không đủ vốn đối ứng hay một số cơ sở đóng tàu chưa đáp ứng được điều kiện.

Ngoài ra theo ông Tiến, còn có yếu tố là theo quan niệm truyền thống, nhiều ngư dân kiêng đóng tàu kéo dài qua hai năm nên có tâm lý đợi sang năm mới 2015; tàu vỏ sắt không đạt hiệu quả cao trong việc đánh bắt thủy sản bằng phương tiện truyền thống… nên chương trình triển khai chưa được như mong muốn. NHNN đã giao 5 NHTM cũng như chỉ đạo các chi nhánh xem xét, tiếp cận ngư dân; Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Ký Hợp đồng tín dụng cho vay Dự án đóng mới tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 67 giữa Agribank chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi và Công ty CP Thủy sản Lý Sơn – Ảnh: NHNN

Xung quanh câu hỏi của một số đại biểu về việc hiện nay Nhà nước đang khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ nhưng vẫn còn tình trạng ngư dân đánh bắt gần bờ để đảm bảo cuộc sống thường nhật, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, vẫn cần tiếp tục hỗ trợ để ngư dân đánh bắt hiệu quả hơn; trong đó, có việc hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, thành lập tổ, đội sản xuất để giúp nhau làm ăn hiệu quả hơn; xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, thông tin…

Trước nghi vấn của bà Nguyễn Thị Hạnh, một nông dân thành công nhờ nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh về sự thao túng giá trong lĩnh vực thức ăn thủy sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, vấn đề quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thức ăn cho ngành thủy sản có biểu hiện của lợi ích nhóm hay khống chế, thao túng thị trường, sẽ nghiêm túc ghi nhận và sẽ cùng với Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ. “Đối với chúng tôi không có chỗ cho độc quyền, không có chỗ cho lợi ích nhóm, không ai được phép lợi dụng và làm tổn hại đến lợi ích người nông dân” – Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

>> Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014 do Văn phòng Chính phủ cung cấp tới các nhà báo, phóng viên chuyên trách ngày 2/1/2015, Chính phủ thống nhất chưa thực hiện các quy định về tỷ lệ mạ băng cũng như hàm lượng nước tối đa đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu theo Nghị định 36. Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vướng mắc phát sinh (nếu có) để từng bước nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm cá tra của nước ta trên thị trường quốc tế và trong nước.

Trần Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!