Ngày 22/1/2015, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn đã có buổi làm việc với ông Carson Roper, Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế, Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA), đơn vị xây dựng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (BAP).
Mục tiêu của buổi làm việc là thống nhất tiến trình hài hòa giữa tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (BAP) và VietGAP, nhằm sản xuất những sản phẩm “sạch” an toàn vệ sinh thực phẩm,tạo thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định.
Ông Carson Roper chobiết, GAA là tổ chức xây dựng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về thủy sản nuôi thông qua hệ thống nuôi thủy sản có trách nhiệm. Các tiêu chuẩn chứng nhận BAP của GAA hướng đến tất cả các thành phần cần thiết để thực hiện các hoạt động nuôi thủy sản theo phương thức bền vững và có trách nhiệm. Các sản phẩm của cơ sở sản xuất được chứng nhận BAP sẽ có logo để nhận biết.
Hiện, trên thế giới có hơn 600 đơn vị nuôi thủy sản được chứng nhận BAP, tổng sản lượng hàng năm của các nhà máy chế biến thủy sản được chứng nhận BAP là trên 1,4 triệu tấn.
Ở Việt Nam, năm 2014, có 44 nhà máy chế biến, 34 trại nuôi, 5 nhà máy thức ăn và 7 trại tôm giống được chứng nhận BAP, tổng sản lượng sản phẩm được chứng nhận là 207 triệu tấn. Với kết quả này, ông Carson Roper đánh giá cao sự cam kết của Việt Nam hướng tới ngành nuôi thủy sản bền vững và có trách nhiệm.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ làm việc với đại diện GAA tại Việt Nam để thống nhất tiến trình hài hòa, công nhận lẫn nhau giữa tiêu chuẩn BAP và VietGAP. Các bên có liên quan sẽ ngồi lại, xem xét và thống nhất việc so sánh từng điều khoản kiểm soát quy định trong tiêu chuẩn; thời hạn thực hiện được đưa ra rõ ràng, nhanh chóng nhằm sớm hoàn thành và công bố cho quốc tế việc công nhận lẫn nhau giữa VietGAP và BAP; đó cũng là cơ sở để sản phẩm VietGAP được chấp thuận của các nhà nhập khẩu quốc tế.
Do đó, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra.