Đừng để “Trạng chết Chúa cũng băng hà”

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long đang điêu đứng vì tôm chết hàng loạt; do… ông trời, nên chẳng biết kêu ai. Tôm chết, nguy cơ trắng tay có thể tái diễn. Người nuôi tôm không “khỏe”, các đơn vị sản xuất giống cũng “ốm” theo. Để rõ hơn nữa vấn đề này, TSVN chia sẻ tâm sự của ông Dương Văn Hùng – Giám đốc DNTN Tôm giống Dương Hùng (Bạc Liêu).

Vì sao ngay vụ đầu năm nay người nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu lại khó khăn như vậy, thưa ông?

Hầu hết người nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL đều đang rất khó khăn. Điều này nằm ngoài tính toán của người dân và cả chuyên gia, bởi do thời tiết diễn biến bất thường. Trước Tết Nguyên đán trời lạnh kéo dài, ra Giêng lại nắng nhiều khiến nước bốc hơi nhanh, mặn xâm nhập sâu, sau đó mưa lớn đột ngột xuất hiện và kéo dài khiến con tôm không kịp thích ứng, tôm sốc nhiệt độ đột ngột nên theo nhau chết hàng loạt.

Tình hình diễn ra nhiều ngày nay và chưa có dấu hiệu giảm. Vì vụ trước trúng mùa trúng giá lại được dự báo rất khả quan nên nhiều người không ngần ngại đầu tư lớn. Nhưng “nhân định không thắng thiên”, nên chẳng biết kêu ai. Cũng vì thiệt hại lớn như vậy nên nguy cơ nhiều người sẽ lại trắng tay.

 “Họa vô đơn chí”, sản xuất đã khó khăn, giá thành nuôi vẫn cao, nhưng giá thương phẩm lại đang giảm mạnh. Nguyên nhân là do một số nước trong khu vực thu hoạch tôm, sản lượng nhiều mà giá lại rẻ. Tôm nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam chịu thêm mấy mức thuế mà giá vẫn rẻ hơn mua trong nước nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tăng cường nhập khẩu. Điều này càng khiến người nuôi tôm khốn đốn, bởi tôm thiệt hại lớn, nhiều người tranh thủ vớt vát số tôm còn lại để tránh bị chết thêm và thu hồi ít vốn, nhưng tôm nhỏ nên bị thương lái ép giá cùng cực. Đây là vụ mùa chính trong năm, nên năm nay nếu không khéo sẽ lại là năm thất thu của ngành tôm.

Ông Dương Văn Hùng – Giám đốc DNTN Tôm giống Dương Hùng đang kiểm tra tôm giống tại trại sản xuất – Ảnh: Thanh Cường

 

Với kinh nghiệm gắn bó nhiều năm với con tôm, theo ông, người nuôi tôm nên làm gì?

Cái khó hiện nay là ở bà con mình, thất bại nên thường rất nóng vội, không ít người vẫn giữ tâm lý còn “sức” là sẵn sàng đầu tư nuôi lại. Chưa kể lại đang được nhiều nhà cung cấp giống “tiếp tay”. Bởi thời gian qua, không ít đơn vị sản xuất giống bán rẻ như cho, thậm chí cho không giống người nuôi. Tuy nhiên theo tôi, “thương” như vậy chẳng khác hại bà con. Bởi nhiều người ham lợi, có giống, lại tiếp tục thả nuôi, nhưng họ đâu nghĩ đến việc chi phí con giống là nhỏ so với các chi phí khác. Thời tiết thế này thì thất bại “dễ” hơn thành công, khi đó sẽ càng khó khăn hơn.

 

Nói vậy thì các đơn vị sản xuất giống cũng không thoải mái gì?

Đúng rồi. Tôm chết, hết vốn. Thời tiết không thuận nên ngành chức năng khuyến cáo lùi thời gian thả giống, trễ hơn so với lịch thời vụ, trong khi đó kế hoạch của các đơn vị sản xuất giống như chúng tôi đã lên từ trước, ấp ủ để cho ra lứa tôm kịp thời vụ. Nay bà con không thả nuôi, tôm giống đến kỳ không bán được, phải tiêu hủy, mất trắng hàng trăm tỷ đồng. Như doanh nghiệp của tôi, dù đoán trước được tình hình, hạn chế tối đa sản xuất cũng không tránh được thiệt hại, vụ này mất 3 – 4 tỷ đồng. Thời gian tới cũng chưa biết thế nào, sản xuất vẫn cứ tiếp tục, không biết có thắng được không.

 

Vậy làm thế nào để cải thiện tình hình, thưa ông?

Với tình hình như hiện nay, người nuôi tôm cần cẩn trọng. Nếu sản xuất theo phương thức cũ như vừa qua thì không tài nào thắng nổi, chưa kể giá tôm nguyên liệu chưa có dấu hiệu hồi phục. Người nuôi kỹ thuật tốt thì lời được ít, không thì huề vốn, thậm chí lỗ, nếu vướng vào dịch bệnh thì lỗ nặng.

Để đối phó vấn đề này, cần thay đổi phương thức nuôi. Đừng nôn nóng. Hãy nuôi chậm lại, đợi thời tiết ổn định (gần 1 tháng nữa) mới nên xuống giống. Không nuôi hết diện tích, chỉ nuôi khoảng 50% thôi. Cơ bản ở mấy chữ “hơn”, đó là ao lắng nhiều hơn ao nuôi, làm kỹ thuật kỹ hơn, để nước lắng lâu hơn trước khi đưa vào ao nuôi và giữ mực nước sâu hơn. Thực hiện đúng phương châm “nuôi nước trước nuôi tôm”, bởi nước tốt thì tôm sẽ tốt, không nên xử lý nước bằng hóa chất, dùng vi sinh vừa đảm bảo sức khỏe tôm nuôi, vừa đảm bảo môi trường bền vững.

Một điều nữa tôi muốn tâm sự là nếu bà con cần hỗ trợ, Dương Hùng rất sẵn sàng. Chúng tôi luôn mong muốn giúp bà con nuôi tôm mau giàu hơn. Bởi sau nhiều năm thử nghiệm, chúng tôi đã có được phương pháp nuôi thành công, giúp nhiều người nghèo vươn lên khá giàu. Với điều kiện bà con cam kết làm đúng phương pháp chúng tôi đưa ra, được như vậy, Dương Hùng sẵn sàng đến tận nơi tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống (sau 3 tháng nếu thành công mới phải trả tiền)… để bà con làm giàu.

>> Nhiều người nói chúng tôi đang “vác tù và hàng tổng”, nhưng tôi nghĩ, giúp người nuôi tôm cũng là giúp mình; người nuôi có sức nuôi thì đơn vị sản xuất giống mới bán được, người nuôi bại thì mình cũng không có đất sống. Tôi tâm niệm, “người có đức thì không có sức mà ăn”.

Thu Hồng (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!