Đó là nội dung chính tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ 5 tháng của năm 2015 và giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2015 của các tỉnh ven biển phía Nam” mới đây tại Sóc Trăng do Tổng cục Thủy sản tổ chức.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tình hình tôm nuôi bị thiệt hại ở các tỉnh phía Nam là hơn 12.000 ha; trong đó, tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh thiệt hại hơn 8.100 ha; tôm mắc bệnh gần 7.000 ha. Mức độ tôm thiệt hại và mắc bệnh tuy giảm khoảng 40% so cùng thời điểm năm 2014 nhưng vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, có 20 tỉnh xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, phổ biến là bệnh hoại tử gan tụy cấp chiếm gần 3.000 ha, bệnh đỏ thân đốm trắng gần 2.000 ha, còn lại là các bệnh về đường ruột, đầu vàng, bệnh phân trắng. Cục Thú y nhận định, dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp đến khoảng tháng 9 mới có dấu hiệu giảm dần. Thời tiết bất lợi, mức độ thiệt hại trên 30% và giá tôm thương phẩm đầu vụ giảm thấp, nên các tỉnh phía Nam thả nuôi chỉ đạt 56% diện tích.
Thu hoạch tôm ở ĐBSCL – Ảnh: PTC
Tổng Cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người nuôi chọn thời điểm thích hợp để thả giống; Tăng cường công tác quản lý các sản phẩm đầu vào phục vụ nghề nuôi (như thức ăn, thuốc thú y, con giống) và triển khai quản lý chặt vùng nuôi về diễn biến bệnh trên tôm để có biện pháp khống chế kịp thời. Cùng đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm của Trung ương và địa phương phải được củng cố, chú trọng đến công tác quan trắc môi trường để cảnh báo tình hình bệnh trên tôm cho người dân nắm rõ, góp phần hạn chế thiệt hại cho vụ nuôi.