Đó là chủ đề thảo luận chính tại Hội thảo “Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp” của Bộ NN&PTNT tại Hà Nội, sáng 2/7.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, tình trạng trình độ KHCN nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển KT – XH.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi một lượng tiền rất lớn. Doanh nghiệp nông nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất thấp; Chính vì vậy, họ bị yếu thế do công nghệ lạc hậu, khó cạnh tranh, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận thấp, không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu công nghệ mới hơn. Theo đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận với các sản phẩm, chương trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế và đào tạo sử dụng ngân sách Nhà nước để các đơn vị nhanh chóng nâng cao trình độ và nhận thức về KHCN, không nên bán bản quyền.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, một trong những trọng tâm chính sách được đề ra và thực hiện quyết liệt trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế từ trung ương đến địa phương, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, nông dân là chủ thể và doanh nghiệp làm nòng cốt. Hơn hết, phải có những hành động cụ thể để thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, tránh khẩu hiệu chung chung, mất thời gian; Đồng thời, yêu cầu Vụ KHCN của Bộ thành lập một bộ phận chuyên trách làm việc với doanh nghiệp. Đây sẽ là đầu mối giải quyết mọi khúc mắc của các đơn vị khi đầu tư vào KHCN trong nông nghiệp trong thời gian tới.