Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 7678/VPCP-KTN ngày 25/9/2015, thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về đề xuất của Bộ NN&PTNT đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời lưu ý, trong quá trình soạn thảo, Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, tập trung vào các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai Nghị định 36; sự cần thiết phải áp dụng VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế; cân nhắc thay thế quy định về hàm lượng nước tối đa và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm; xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.
Chế biến cá tra fillet xuất khẩu – Ảnh: Huy Hùng
Theo nhận định của Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, ngành hàng cá tra Việt Nam có khả năng tiêu thụ rất lớn, xuất khẩu đến 142 thị trường trên thế giới (chiếm 90% sản lượng); còn thị trường nội địa đang bỏ ngỏ, chỉ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn/năm. Vì thế, để phát huy lợi thế ngành hàng này, cần triển khai hiệu quả Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cùng đó, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành về đầu tư, tín dụng hỗ trợ cho sản xuất giống, thức ăn thủy sản, kiểm soát môi trường, dịch bệnh và chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, cần có đề án để vực dậy ngành cá tra, giải quyết bài toán cung – cầu, xác định thị trường cần gì, phụ phẩm bán đi đâu.
Trước đó, VASEP đã có Công văn 82/2015/CV-VASEP gửi Bộ NN&PTNT, đề nghị xem xét, sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP. VASEP kiến nghị sửa đổi: quy định bắt buộc hàm ẩm cá tra fillet không vượt quá 86% khi xuất khẩu cho tất cả các thị trường; thay thế quy định tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra bằng quy định ghi nhãn bắt buộc trọng lượng (khối lượng cá thực tế) trên bao bì. VASEP cho rằng những quy định về ghi nhãn sẽ tạo hành lang pháp lý bắt buộc doanh nghiệp nâng cao khả năng tự kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng hơn là đối phó trước thông quan khi bị kiểm tra từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Cùng đó, VASEP kiến nghị dỡ bỏ thủ tục Đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Theo VASEP, qua gần một năm thực hiện Đăng ký hợp đồng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhận thấy việc đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu đang trở thành một thủ tục hành chính gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ xuất khẩu. Ngoài ra, VASEP cũng đề xuất, việc xem xét sửa đổi Nghị định 36 cần đặt trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
>> Ông Alfons Van Duijvenbode, một chuyên gia của CBI Hà Lan (Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu các nước đang phát triển) cho rằng, muốn “kéo” thị trường, muốn tăng niềm tin của người tiêu dùng tại châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược tuyên truyền marketing, với hình thức đa dạng; cùng đó, tăng cường hợp tác với các nhà nhập khẩu và phân phối tại châu Âu, đảm bảo sự minh bạch và uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam. |