Ngành cá cảnh Việt Nam: Nhiều lợi thế để tiến xa

Chưa có đánh giá về bài viết

“Ngành cá cảnh Việt Nam có thể phát triển mạnh như Singapore, Malaysisa… nếu thực sự được quan tâm và xác định đúng hướng”, đó là chia sẻ của ông Trần Đình Vĩnh (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản TP Hồ Chí Minh khi trò chuyện với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển của ngành cá cảnh Việt Nam?

Nghề kinh doanh và thú chơi cá cảnh đã hình thành từ lâu ở Việt Nam, tuy nhiên nó mới chỉ mang tính tự phát. Qua tìm hiểu, giao lưu tham gia triển lãm cá cảnh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh với một số nước trên thế giới, cá cảnh Việt Nam đã nhận được sự ưa chuộng.

Ngày nay, đất nước phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, một số doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã chủ động đưa cá cảnh Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế.

 

Riêng đối với TP Hồ Chí Minh thì sao, thưa ông?

Nhìn chung, nghề nuôi, sản xuất cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh có từ rất lâu và từng có thời kỳ giữ vai trò nhất định ở khu vực Đông Nam Á. Đầu năm 1975, do hậu quả chiến tranh, điều kiện kinh tế nước ta quá khó khăn, mọi tiềm lực dồn cho việc khôi phục đất nước, chú trọng phát triển các ngành công, nông nghiệp nên nghề nuôi, sản xuất, kinh doanh cá cảnh dần dần giảm sút.

Những năm gần đây, mức sống của người dân thành phố ngày càng phát triển, nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc cơ bản đã được giải quyết thì việc vui chơi, sản xuất, kinh doanh cá cảnh bắt đầu nhộn nhịp trở lại và có chiều hướng phát triển. Người dân trong nghề nuôi cá cảnh đã chủ động tìm, cải tạo giống lạ – đẹp và tìm thị trường nước ngoài cho cá cảnh.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 200 hộ làm nghề nuôi, sản xuất cá cảnh, tập trung nhiều ở các quận 8, 12, Gò Gấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Củ Chi và rải rác ở quận 9. Gần 100% các hộ sản xuất cá cảnh nước ngọt với diện tích 15 – 20 ha mặt nước ao nuôi, 25.000 – 30.000 m2 bể xi măng và khoảng 3.000 m2 bể kiếng. Hàng năm, số lượng sản xuất và tiêu thụ khoảng 90 triệu con. Doanh số bình quân hằng năm mỗi hộ 80 – 100 triệu, thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng.

Đối tượng sản xuất được xếp vào hai loại chính là: Cá đá (xiêm, lia thia, phướn…) và cá làm cảnh (được xếp làm 3 nhóm: Nhóm cá đại trà có nhiều hộ sản xuất: Bảy màu, hồng kim, hắc kim, tỳ bà, ông tiên, ba đuôi, tai tượng Phi Châu; Nhóm cá ít hộ sản xuất: Cá dĩa, cá la hán, chép Nhật…; Nhóm mới khai thác tự nhiên làm cảnh: Cá nàng hai (còm), nâu, long tong, sặc…)

Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 100 – 120 cửa hàng và địa điểm buôn bán lẻ cá cảnh. Trong đó phải kể đến là chợ cá cảnh Lưu Xuân Tín ở quận 5 và Nguyễn Thông ở quận 3, Cộng Hòa ở Tân Bình. Ngoài ra, rải rác ở các quận, huyện khác trong thành phố như quận Thủ Đức, quận 9, huyện Bình Chánh.

Sản xuất cá cảnh ở Việt Nam chủ yếu do tự phát – Ảnh: CTV

 

Theo ông, tiềm năng để phát triển ngành cá cảnh Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng là gì?

Việt Nam là quốc gia nằm trong 3 khu vực (Nam Mỹ, Phi Châu và Đông Nam Á) có nguồn cá cảnh nổi tiếng của thế giới. Khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam thích hợp phát triển nhiều loài cá cảnh nội địa và nhiều loài cá đẹp quý hiếm (cả nước mặn và ngọt). Và, hầu như các loại cá cảnh trên thế giới đều đã có ở Việt Nam.

Riêng đối với thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành cá cảnh. Trước hết phải kể đến là khí hậu nhiệt đới nên có thể sản xuất được nhiều loài cá cảnh và sản xuất được quanh năm. Thức ăn tự nhiên – nguồn thực phẩm thiết yếu của nhiều loài cá cảnh, dồi dào trong các hệ thống sông rạch. Giá thành sản xuất thấp do giá nhân công, thức ăn và chi phí khấu hao trang thiết bị thấp (vì sản xuất được quanh năm).

Thêm vào đó, với vị trí là trung tâm kinh tế năng động, TP Hồ Chí Minh có lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Ngoài ra, đây cũng là nơi tập trung đông nghệ nhân nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và yêu nghề…

 

Với những tiềm năng này, liệu ngành cá cảnh Việt Nam có thể phát triển như các quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore, Malaysia… không, thưa ông?

Ngành cá cảnh Việt Nam có thể phát triển mạnh như Singapore, Malaysia nếu chúng ta thực sự quan tâm và xác định đúng hướng, vì Việt Nam hội đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, vùng phân bố của các loài cá cảnh.

Đồng thời cũng cần phải có sự đầu tư thích đáng về chính sách, hoạch định, phải có chiến lược phát triển cho nghề cá cảnh. Trong đó cần chú ý đến các yếu tố về giống, bảo tồn gen, lai tạo và chủ động hội nhập thị trường.

 

Vậy còn những khó khăn, thách thức thì sao?

Bên cạnh những thuận lợi, ngành cá cảnh Việt Nam vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: Chưa nắm bắt và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường châu Âu và Mỹ. Sản xuất không ổn định do phát triển tự phát. Thiếu thông tin về khoa học kỹ thuật, nhất là thông tin về thị trường đối với các nhà sản xuất mới. Sản xuất quy mô nhỏ, riêng lẻ, nhất là sản xuất thiếu kế hoạch sẽ không đáp ứng được nhu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đô thị hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển. Việc xuất khẩu qua trung gian gây nhiều thiệt hại, rủi ro cho nhà sản xuất, kinh doanh. Các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ luôn có các hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế việc xuất khẩu của các nước khác.

 

Để đưa ngành cá cảnh Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, theo ông cần phải làm gì?

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước nên có trách nhiệm quản lý, kiểm soát, định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập các giống mới phục vụ nghiên cứu sản xuất con giống… 

Thứ hai, phổ biến, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu. Công tác nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị hiếu người tiêu dùng cần được quan tâm. Thường xuyên tổ chức tham gia các hội thi về cá cảnh trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm, tạo đầu ra cho người nuôi cá cảnh, giới thiệu sản phẩm cá cảnh cho các thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, chuyên thực hiện việc nghiên cứu, lai tạo giống cá cảnh mới.

Thứ tư, có chính sách cho phép các trung tâm nghiên cứu, khu nông nghiệp công nghệ cao chủ động nhập các giống mới về lai tạo và xuất khẩu các giống cá cảnh ngoại lai nhưng không được tiêu thụ thị trường trong nước do ngại ảnh hưởng cân bằng sinh thái.

Thứ năm, xây dựng kho tư liệu về dịch tễ nhằm kiểm soát và khống chế dịch bệnh từng vùng, từng loài khi xảy ra dịch bệnh; Phát triển các kỹ thuật chuẩn đoán, điều trị và kiểm soát dịch bệnh trên cá cảnh, đảm bảo các vấn đề an ninh sinh học trong việc nuôi cá cảnh.

Thứ sáu, Nhà nước phải có chính sách thỏa đáng để khuyến khích phát triển, có chiến lược phát triển và tích cực tạo nên các yếu tố pháp lý kỹ thuật để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh có điều kiện tiếp cận thị trường mới.

Ngoài ra cũng nên miễn thuế nhập giống cá cảnh. Và cuối cùng cũng cần rà soát các văn bản quản lý động vật ngoại lại cho phù hợp với việc kinh doanh cá cảnh.

>> Cá cảnh nước ngọt là đối tượng kinh doanh chính, chiếm tỷ lệ 95% vì dễ nuôi, dễ chăm sóc. Cửa hàng kinh doanh cá cảnh biển chiếm tỷ lệ 5% vì cần phải có nguồn nước mặn để thay và bổ sung, chăm sóc phức tạp nên người chơi cá cảnh biển cũng rất hạn chế.

Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!