Hỏi: Xin cho hỏi những vấn đề cần quan tâm khi ương TTCT từ cỡ postlarve 6? Nguyễn Văn Tạ (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Thức ăn tổng hợp dùng trong giai đoạn này gồm: 30% Frippak + 30% Green Flake + 40% N. Nên sử dụng artemia sau khi ấp nở (Nauplius artemia) bỏ vỏ để đảm bảo vệ sinh trong môi trường ương. Cho ăn 8 cữ/ngày, 4 cữ sử dụng thức ăn công nghiệp và 4 cữ sử dụng artemia đan xen nhau. Lượng thức ăn cho 1.000.000 ấu trùng postlarve 6 TTCT là 240 g ấu trùng artemia và 220 g thức ăn công nghiệp. Sau mỗi lần chuyển giai đoạn phụ, lượng artemia và thức ăn công nghiệp cho 1.000.000 ấu trùng tăng khoảng 20 – 40 g. Đến giai đoạn post 12 – post 15, có thể sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên. Trong giai đoạn này, hàng ngày tiến hành xi phông bể.
Hỏi: Xin hỏi nguyên nhân TTCT chậm lớn nuôi với mật độ 70 con/m2, nuôi được 100 ngày, size 70 con/kg? Tiền Thanh Tân (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Tôm chậm lớn do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là chất lượng con giống, tiếp đó là chất lượng môi trường, quá trình chăm sóc và do các tác nhân gây bệnh. Để tránh hiện tượng tôm chậm lớn, cần thả tôm giống có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, phải được kiểm dịch và không bị nhiễm bệnh còi do MBV, bệnh gan tụy HPV, bệnh vi bào tử trùng EHP hoặc hội chứng chậm lớn trên tôm sú LSNV. Ao nuôi phải được xử lý tốt trước khi thả tôm để tiêu diệt được các mầm bệnh trong môi trường. Thả tôm đúng mùa vụ và mật độ, trong quá trình nuôi phải chăm sóc đúng kỹ thuật, bổ sung các Vitamin C, A, E và Beta-Glucan để tăng sức đề kháng của tôm. Khi thấy tôm chậm lớn có thể bổ sung các chất giúp tôm lột xác hoặc gửi mẫu tôm đến các phòng thí nghiệm để xác định có tác nhân gây bệnh hay không, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp.