Ngày 5/10/2015, 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định sẽ xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập cảng giữa 12 quốc gia, tạo một thị trường chung với những tiêu chuẩn và luật lệ thống nhất.
Trong 12 quốc gia, Việt Nam là nước chậm phát triển và vì vậy được dự đoán là sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Đặc biệt, ở những ngành sử dụng nhiều lao động thiếu chuyên môn, năng suất thấp và lương ít như thủy sản, dệt may, giày dép.
Tuy nhiên, muốn hưởng lợi thì còn phải cải cách nhiều để hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung, chẳng hạn với thủy sản là vấn đề an toàn thực phẩm đã được bàn luận trong mấy năm qua. Nhưng còn một vấn đề khác không kém phần quan trọng, đang ít được nhắc đến mà sẽ có giá trị quyết định thành công của ngành thủy sản ở tương lai khi gia nhập TPP: Thương mại điện tử.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng phân tích, sản phẩm cá tra nước ta xuất sang EU với giá trên dưới 3 USD/kg nhưng bán ở siêu thị Anh 10 Bảng hoặc một số nước trong khu vực 15 Euro/kg. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng gấp hơn 5 lần giá nhập khẩu. Lợi nhuận của mạng lưới phân phối quá cao, tuy nhiên cũng còn do chi phí tốn kém của phương thức kinh doanh truyền thống.
Phương thức kinh doanh truyền thống phải chi phí lớn cho marketing, thị trường mục tiêu, đưa thông tin sản phẩm đến với khách hàng. Marketing bao gồm tham gia hội chợ quốc tế để thiết lập quan hệ rộng và cả xây dựng các mối quan hệ khách hàng trong phạm vi hẹp để giới thiệu sản phẩm. Chi phí cho thị trường mục tiêu có thiết lập văn phòng đại diện, đại lý phân phối, trưng bày giới thiệu sản phẩm… Thông tin sản phẩm đến khách hàng thì vừa tốn tiền bạc vừa tốn thời gian.
Để giảm những chi phí ấy, thương mại điện tử ra đời. Thương mại điện tử nâng cao khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho doanh nghiệp mà không bị giới hạn về không gian và thời gian, vì đây là một nguồn tài nguyên khổng lồ không bị cạn kiệt, càng khai thác càng trở nên phong phú, đa dạng. Thương mại điện tử là xu hướng phát triển của thương mại thế giới.
Thống kê của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thương mại điện tử ở các nước phát triển đã chiếm hơn 90% tổng lượng giao dịch toàn cầu; ở Bắc Mỹ và châu Âu đã chiếm tới 80% tổng lượng giao dịch. Tỷ phú Bill Gate có nói: “Trong 5 – 10 năm nữa, bạn chỉ có hai lựa chọn, một là kinh doanh online, hoặc không nên kinh doanh nữa”.
Thực trạng các doanh nghiệp nước ta lại đang ít quan tâm đến thương mại điện tử, website của doanh nghiệp chủ yếu giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm mà ít có khả năng giao dịch trực tuyến. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh cá tra thêm kênh bán bán hàng ra toàn thế giới. Tháng 10/2015, Hiệp hội Cá tra Việt Nam khởi động chương trình xây dựng MekongFishMarket.com với kỳ vọng tăng cường xúc tiến doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Dự kiến, giai đoạn 2017 – 2020, đi tới xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cá tra và sau đó là các loại thủy sản khác.