Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản sáng nay tại Hà Nội, với sự tham dự của các bộ, ngành và đại diện sở NN&PTNT các tỉnh, thành trong cả nước.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011 – 2015, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn tồn tại những hạn chế nhất định như: tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn cao, một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm chưa có nhiều cải thiện so năm 2014 (trong đó, 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép); Kinh phí đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất còn hạn chế; Số cơ sở xếp loại C mới dừng lại ở việc nhắc nhở, khắc phục chứ chưa có hình thức xử phạt nghiêm minh. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản xếp loại C còn cao tới 20%…
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với PC45 để thực hiện ra soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay chính là công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm bởi không thể kiểm soát được nguồn sản phẩm mà các thương lái thu mua về từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; kinh phí cho công tác kiểm tra, giám sát còn rất eo hẹp.
Về phía Bộ Công an, ông Trần Trọng Bình, Cục Cảnh sát Môi trường cho hay, hiện số lượng người chết vì các căn bệnh hiểm nghèo cao rất nhiều lần so với chết do tai nạn giao thông; năm 2014, đã có 82.000 tử vong trong đó nguyên nhân từ an toàn thực phẩm tới 95%.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, vấn đề sử dụng chất cấm hiện nay là một tội ác, cần đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Vấn nạn chất cấm trong sản phẩm nông sản cần sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp ngành mới mang lại hiệu quả thiết thực nhất, tạo ổn định về an sinh xã hội và an toàn cho người dân.