Hiện nay, nghề nuôi tôm hùm ở nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững, con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát, trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định nên giá cả rất bấp bênh… Để nghề nuôi tôm hùm phát triển hiệu quả là việc làm không dễ.
PV Chuyên san Con Tôm đã phỏng vấn PGS – TS Lại Văn Hùng (ảnh), nguyên Trưởng Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Đại học Nha Trang xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về nghề nuôi tôm hùm ở nước ta?
Tôm hùm là tên gọi chung của một nhóm giáp xác thuộc họ Palinuridae. Hiện nay tôm hùm là một loại hải đặc sản có giá trị xuất khẩu, kinh tế cao đang được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản. Ở Việt Nam, tôm hùm được bắt đầu từ sau những năm 80 của thế kỷ XX việc nghiên cứu và nuôi tôm hùm mới được chú ý. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng thực sự phát triển từ năm 2000 đến nay. Đối tượng nuôi gồm 4 loài: tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm xanh/đá (Panulirus homarus), tôm hùm sỏi (Panulirus stimpsoni) và tôm hùm đỏ (Panulirus longipes). Trong đó, tôm hùm bông (Panulirus ornatus) là đối tượng nuôi chủ yếu do có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cỡ lớn, màu sắc tươi sáng và có giá trị kinh tế cao.
Được biết, năm 2014, số lồng nuôi tôm hùm có hơn 53.000 lồng, tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa (28.455 lồng) và Phú Yên (23.627 lồng). Sản lượng tôm hùm nuôi đạt 1.568 tấn, trong đó Khánh Hòa 884 tấn, Phú Yên 630 tấn, các tỉnh còn lại đạt sản lượng thấp, 10 – 19 tấn. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm vẫn phát triển mang tính tự phát, thiếu bền vững và hiệu quả không cao. Phát triển nghề nuôi tôm hùm chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo ông, khó khăn nào hiện là trở ngại lớn nhất để ngành tôm hùm phát triển hiệu quả, bền vững?
Có rất nhiều khó khăn cho nghề nuôi tôm hùm: Thứ nhất, nghề nuôi tôm hùm đã và đang phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, dịch bệnh gây chết tôm nuôi hàng loạt, người nuôi tôm bị thiệt hại. Thứ hai, giống tôm hùm khai thác ngoài tự nhiên, phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu vì vậy giá thành cao, chất lượng không đảm bảo. Người nuôi tôm hùm sử dụng thức ăn là cá tạp, đây cũng là ký chủ truyền bệnh cho tôm. Do nguồn lợi ven bờ của các tỉnh Nam Trung bộ (vùng nuôi tôm hùm chủ yếu tại Việt Nam) đã cạn kiệt nên thức ăn nuôi tôm hùm (cá, động vật thân mềm và giáp xác nhỏ) phải mua từ các tỉnh Nam bộ. Để thức ăn không bị phân hủy, người bán thức ăn đã sử dụng Urê và các hóa chất để bảo quản. Chính các chất bảo quản cũng là một trong các nguyên nhân đã gây dịch bệnh cho tôm hùm. Thứ ba, tôm hùm được xuất bán chủ yếu qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, giá bán không ổn định. Thời gian nuôi tôm hùm kéo dài, đầu tư lớn, vì vậy rủi ro cho người nuôi tôm rất cao.
Những khó khăn trên đều là trở ngại lớn đối với sự phát triển nghề, nếu không giải quyết được thì tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng.
Hiện nuôi tôm hùm đã và đanh phát triển một cách tự phát – Ảnh: Phạm Ngọc Chung
Trong những năm qua, việc nghiên cứu tôm hùm (giống, thức ăn, dịch bệnh…) vẫn chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?
Đúng vậy. Có thể vì các lý do: Tôm hùm là đối tượng mà giai đoạn phát triển từ ấu trùng đến hậu ấu trùng rất dài, mỗi giai đoạn yêu cầu điều kiện môi trường, thức ăn rất khác nhau. Ví dụ, Australia là quốc gia đầu tư nghiên cứu về sản xuất giống và thức ăn cho tôm hùm bông từ rất sớm (những năm 2000), nhưng đến nay cũng chỉ đạt được kết quả rất hạn chế. Hay ở những trung tâm nghiên cứu thủy sản tiên tiến trên thế giới của Australia và Nhật Bản cũng chưa thành công trong việc cho tôm hùm sinh sản nhân tạo. Nhật Bản đã đổ hàng tỷ USD để cho tôm hùm sinh sản nhân tạo nhưng cũng chỉ mới cho sinh sản và ươm nuôi đến giai đoạn tôm bò cạp (bằng ngón tay người trưởng thành) và cũng chỉ ươm nuôi trong phòng thí nghiệm.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về tôm hùm bắt đầu từ năm 1987. Tuy nhiên, cách tiếp cận còn nhiều hạn chế. Chưa có một kế hoạch nghiên cứu bài bản, kinh phí đầu tư cho một đề tài nhỏ, thời gian nghiên cứu ngắn (24 – 30 tháng cho một đề tài), cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu thiếu thốn nhiều. Vì vậy, hiệu quả của các nghiên cứu chưa cao.
Ở nhiều nước đã áp dụng khoa học trong nuôi tôm hùm như: nuôi trên cạn, trong bể xi măng… có hiệu quả. Theo ông, việc áp dụng vào thực tiễn ở nước ta liệu có khả quan?
Nuôi tôm hùm trên cạn, trong bể xi măng ở nước ngoài đã có hiệu quả. Ở Việt Nam cũng đã nuôi thử nghiệm và cho kết quả tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng vào Việt Nam theo tôi cần nghiên cứu đánh giá cụ thể bởi nếu nuôi theo hình thức này, chi phí nuôi tôm hùm sẽ rất cao (chi phí cấp và xử lý nước, thức ăn, giống, chăm sóc…) so với nuôi ngoài tự nhiên (lồng, bè…). Chi phí cao bởi, phương pháp nuôi này đòi hỏi người nuôi đầu tư thiết bị và áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi mới có kết quả khả quan. Tôm nuôi trên cạn cần được nuôi trong môi trường nước bảo đảm sạch. Bể nuôi tôm trong nhà được xây dựng kiên cố và phân thành từng ngăn nhỏ nuôi tôm post, tôm giống phù hợp, phải có thiết bị tạo được dòng nước chảy tuần hoàn và khép kín…
Để hạn chế thiệt hại trong quá trình nuôi, người nuôi cần phải làm gì, thưa ông?
Để hạn chế thiệt hại trong quá trình nuôi tôm hùm cần phải thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch, tuân thủ các quy định của các cơ quan quản lý, hướng dẫn của các nhà khoa học. Tôm giống phải được lựa chọn kỹ, sạch bệnh, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, hạn chế sử dụng thức ăn là cá tạp, nếu phải sử dụng phải kiểm tra kỹ chất lượng thức ăn.
Các cơ quan quản lý cần sớm quy hoạch vùng nuôi tôm hùm. Các trường, viện phải có kế hoạch nghiên cứu dài hạn, căn bản để từng bước đưa những kết quả nghiên cứu cho người nuôi tôm hùm áp dụng.
Trân trọng cảm ơn ông!