“Thuốc tặc” lộng hành, quản lý ở đâu?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều năm nay, vấn đề chất lượng thuốc luôn “nóng” trên các diễn đàn. Người nuôi trồng thủy sản vô cùng bức xúc vì “tiền mất tật mang”, họ bó tay với việc phân biệt thật giả, tất cả trông chờ vào ngành chức năng. Tuy nhiên, lâu nay những đối tượng này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Giả toàn phần

Theo kết quả kiểm tra những tháng đầu năm 2015 của Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau, với 9 đợt kiểm tra tại 18 đại lý kinh doanh phân bón và thuốc thú y thủy sản, đã có 16 trường hợp vi phạm, với số tiền phạt hơn 248 triệu đồng. Đa phần số vụ vi phạm là kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng giả và hàng ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; có những mặt hàng kết quả kiểm nghiệm thành phần chỉ là… đất, đá.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản giả đã diễn ra nhiều năm nay. Năm ngoái, các cơ quan chức năng Cần Thơ bắt quả tang cơ sở dùng hóa chất, nước… đưa vào máy trộn, sau đó đóng chai và dán nhãn để bán. Theo tính toán, các công làm giả thuốc thú y thủy sản chỉ bỏ chi phí vài trăm nghìn đồng, nhưng khi bán ra thị trường thì lên tới hàng triệu đồng.

Không chỉ ở Cà Mau, Cần Thơ, năm 2014 Công an TP Bạc Liêu cũng đã thu giữ hơn 2.500 chai thuốc thú y thủy sản giả trên địa bàn. Tỉnh Kiên Giang cũng phát hiện rất nhiều thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục và chất lượng kém. Thậm chí có những sản phẩm như sản phẩm DRT GRANNULA không có tên công ty nhưng vẫn tồn tại trên thị trường. 

thuốc tặc lộng hành

Người dân sử dụng thuốc thú y thủy sản cho tôm nuôi – Ảnh: Phan Thanh

 

Góc khuất

Theo các cơ quan chức năng, trên thị trường hiện có khoảng 853 sản phẩm thuốc thú y thủy sản đăng ký lưu hành trên toàn quốc; trong nước có 68 nhà sản xuất và 37 đơn vị kinh doanh thuốc nhập khẩu. Song, theo nhiều chuyên gia thì số sản phẩm trên thị trường phong phú, đa dạng hơn nhiều so với những gì đã đăng ký; nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng, dán nhãn mác hãng khác…

Nguồn gốc của hiện tượng “nhiễu thuốc thú ý thủy sản” do người dân ít được trực tiếp mua bán với các công ty, đại lý chính thức mà chủ yếu mua bán thuốc qua các đại lý trôi nổi, cá nhân giỏi tiếp thị. Sau những bữa tiệc, buổi nhậu, có thể người dân xiêu lòng mà mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng.

Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau đã lập biên bản, xử lý ông Công Đường, người huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, vì có hành vi giả mạo giấy giới thiệu để bán chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho nông dân Cà Mau; những sản phẩm này chưa qua kiểm nghiệm của cơ quan chức năng.

Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, có những công ty mua một sản phẩm tặng một sản phẩm, tức khuyến mãi cho khách hàng 100%. Chính sự đua tranh, cạnh tranh gay gắt khiến cho chất lượng thuốc thú y ngày càng đi xuống, khi chất lượng sản phẩm không còn đúng như những gì in trên bao bì và sản phẩm thuốc nhái, thuốc giả ngày càng nhiều.

 

Tăng cường quản lý

Theo nhiều thông tin và qua nhiều cuộc thanh tra, thấy không chỉ các doanh nghiệp “ma” sản xuất kinh doanh thuốc thú y thủy sản giả và kém chất lượng. Cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều sản phẩm thuốc thú y thủy sản của một số công ty có tên tuổi, thương hiệu lớn cũng có hiện tượng chất lượng kém, thậm chí có sản phẩm giả. Việc xác định rõ nguồn gốc các sản phẩm giả này xuất phát từ phía nhà máy hay từ chợ đen, từ những kẻ chuyên làm hàng giả là cần thiết, nhưng dù sao, người nuôi trồng thủy sản đã đến lúc phải rất cảnh giác và thận trọng khi mua các loại thuốc thú y thủy sản. Ngày 12/10/2015, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn 8365/BNN-TY về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học. Đây là bước đi cần thiết để chấn chỉnh thị trường thuốc thú y. Theo công văn này, Bộ đã nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ngoài danh mục, nguyên liệu kháng sinh, thuốc y tế, thuốc bảo vệ thực vật, sai nhãn mác, ghi thêm công dụng và thành phần, không ghi nhãn phụ…; san chia thuốc tiêm, thuốc bột tại cửa hàng bán thuốc thú y. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo UBND các cấp, ban, ngành địa phương và các lực lượng liên quan, nhất là Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên quan Sở NN&PTNT. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực tập kết, buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

>> Một số trang trại cho biết, việc đánh giá chất lượng thuốc thú y thủy sản tốt đến đâu là rất khó, vì khi sử dụng thuốc, vẫn luôn có tỷ lệ tôm cá bị chết. Chỉ khi tôm cá chết quá nhiều thì người dân mới nghĩ đến việc khiếu nại…

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!