Nuôi tu hài theo phương pháp thả bãi

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Phương pháp này hiện nay đang được bà con ngư dân nhiều nơi sử dụng phổ biến vì vừa hiệu quả lại dễ thực hiện, đặc biệt với những người nuôi ít vốn.

Chọn bãi nuôi: Chọn những vùng nuôi có nước trong sạch, không bị ô nhiễm, độ sâu mặt nước từ 5m trở lên (nếu vùng nước này khảo sát có tu hài sinh sống là tốt nhất), pH nước thích hợp cho tu hài sinh trưởng là từ 7-8,5. Diện tích bãi nuôi có thể rộng từ vài trăm mét vuông đến vài ha tùy thuộc vào địa hình. Tuy nhiên, nếu làm rộng quá mà con giống không đáp ứng đủ sẽ gây tốn kém và khó quản lý.

Thiết kế bãi nuôi: Chọn những hôm thủy triều xuống thấp nhất để san bãi lấy mặt bằng. Tạo độ nghiêng theo phía nước rút để khi nước rút đất và rác không bị mắc lại trong bãi. Dùng những tấm bê tông đổ sẵn có độ dày từ 4-5cm, chiều dài từ 1-1,5m làm bờ be. Dùng cọc (tre, gỗ) đóng xuống nền đáy để cố định những tấm bê tông, sau đó chèn đá bên ngoài giúp cho bờ be thêm chắc chắn. Dùng lưới hoặc phên tre quây quanh thành bê tông sau đó bơm cát vào. Lớp cát thường có độ dày trung bình khoảng 50cm.

Nuôi tu hài theo phương pháp thả bãi dễ thực hiện, đầu tư thấp

Lưu ý: Cát nuôi tu hài không nên dùng cát mịn mà phải là cát pha lẫn với vỏ san hô hoặc vỏ nhuyễn thể tạo độ xốp thì tu hài mới sống và phát triển được.

Thả giống: Nên thả giống từ cấp 2 trở nên (cỡ giống khoảng 2cm). Mật độ thả có từ 50-70 con/m2. Sau khi thả giống, dùng lưới có mắt lưới nhỏ che trên mặt, tránh địch hại vào ăn con giống.

Hàng ngày, khi thủy triều xuống thì tiến hành vệ sinh bãi nuôi như, nhặt rác trên mặt lưới, bắt các địch hại, kiểm tra, che đậy nhằm tránh để cát bị trôi khi nước rút và bảo vệ tu hài trong bãi.

Kiểm tra sự hao hụt giống để bổ sung giống kịp thời.

Ưu, nhược điểm của phương pháp thả bãi: So với phương pháp nuôi theo lồng treo thì nuôi tu hài theo phương pháp thả bãi chậm lớn hơn. Tuy nhiên, phương pháp này lại dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp hơn. Bên cạnh đó, tu hài không bị ảnh hưởng nhiều khi thời tiết thay đổi hay gió bão.

Lưu ý: Có thể thả giống quanh năm, tuy nhiên nên tránh khi thời tiết lạnh.

 

>> Tu hài thường bị chết và hao hụt khi gặp những cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ, đặc biệt là thời gian mưa đúng vào thời điểm thủy triều thấp. Vì vậy, dù nuôi theo phương pháp treo lồng hay thả bãi đều phải chú ý đến độ sâu của nước để tránh thiệt hại.

 

Nhịp cầu nhà nông

“Quản lý sức khỏe tôm trong ao nuôi tôm”

Đây là cuốn sách do nhóm tác giả Pornlenrd Chanratchakool, James F.Turnbull, Simon J.Funge- Smith, Ian H. MacRae và Chalor Limsuwan của Viện Nghiên cứu sức khỏe động vật thủy sản – Đại học Kasetsart (Thái Lan), Viện Nuôi trồng thủy sản – Đại học Stirling (Scotland) biên soạn. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, TS Trần Ngọc Hải, ThS Đặng Thị Hoàng Oanh – Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ dịch sang tiếng Việt.

Nội dung cuốn sách được chia thành nhiều phần, bao gồm các vấn đề về kỹ thuật nuôi tôm biển (nước lợ – mặn) như: lựa chọn địa điểm nuôi, thiết kế xây và dựng ao nuôi, chuẩn bị ao, chọn và kiểm tra giống, quản lý thức ăn, quản lý môi trường ao nuôi, thu hoạch, cách sử dụng hóa chất trong ao nuôi, bệnh tôm và cách xử lý. Bên cạnh đó, sách còn có phần giải thích các thuật ngữ chuyên ngành giúp người đọc dễ hiểu hơn và phần hỏi đáp về những vấn đề thường gặp trong nuôi tôm.

Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành năm 2004.

 Đoàn Quân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!