Đây là nội dung chính của hội nghị Quản lý nuôi và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ năm 2015, diễn ra ngày 18/11 tại tỉnh Bạc Liêu, do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến đồng chủ trì.
Theo báo cáo của Cục Thú y, 11 tháng đầu năm 2015 dù dịch bệnh trên tôm muôi có chững lại so với các năm trước, nhưng tỷ lệ thiệt hại vẫn lên đến hơn 7,6% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Theo đó, có đến gần 50.000 ha thiệt hại do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết và các loại dịch bệnh, trên tổng số trên 667.000 ha. Một số loại bệnh được xác định là: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân… Đại diện Cục Thú y nhận định, từ nay đến hết năm 2015, diện tích thiệt hại và diện tích bị bệnh chỉ tăng nhẹ do mùa vụ chính thả nuôi tôm đã kết thúc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra cảnh báo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ cả nước tiếp tục đối mặt với khó khăn do thời tiết và dịch bệnh có khả năng bùng phát nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ. Nhiều đại biểu đề nghị Trung ương hỗ trợ dập dịch khi xảy ra dịch bệnh trong vùng nuôi.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2015, 48/63 tỉnh, thành trên cả nước đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản và 33 tỉnh đã bố trí kinh phí. Trong đó, phân bổ ngân sách nhiều nhất là các tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn như Cà Mau gần 5 tỷ đồng, Bạc Liêu gần 3,2 tỷ đồng… Tuy nhiên, nếu so với giá trị xuất khẩu, chỉ tính riêng mặt hàng tôm sú và tôm thẻ năm 2014 là gần 4 tỷ USD thì con số này vẫn còn quá ít. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương cần tham mưu cho UBND tỉnh bố trí, cân đối ngân sách cho công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản và đưa vào kế hoạch năm 2016 chứ không để mất cân đối như hiện nay.